Đối mặt với một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hồi năm 2013, các đặc vụ liên bang Mỹ đã quyết định chấp nhận mạo hiểm có tính toán. Họ không tra hỏi ông ta về những tài liệu mật mà họ tìm thấy trước đó trong cặp của người này. Và họ cũng không hỏi điều họ muốn biết nhất: Liệu ông ta có phải một gián điệp làm việc cho Trung Quốc không.
Chính phủ Trung Quốc hồi năm 2010 được cho là đã làm tan rã mạng lưới điệp viên mà CIA phải mất hai năm để xây dựng nhờ nguồn tin nội gián. Vậy nên, chính quyền Mỹ tiến hành một chiến dịch săn lùng điệp viên tay trong và cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee là nghi can hàng đầu, theo New York Times.
Canh bạc
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có thể bắt Lee ngay lập tức dựa vào các ghi chú, tài liệu nhạy cảm ông ta nắm giữ, nhưng nội bộ lực lượng bí mật đặc biệt của chính phủ lại xảy ra tranh cãi. Các điều tra viên chưa muốn hành động vì sợ "đánh rắn động cỏ". Nếu Lee là kẻ phản bội, bắt giữ ông ta vì một cáo buộc không liên quan sẽ báo động phía Trung Quốc và cho họ thêm thời gian đủ để xóa bỏ mọi dấu vết. Nếu Lee không phải nội gián, một vụ bắt giữ sẽ giúp kẻ phản bội thật sự nhận ra tình thế nguy hiểm và trốn thoát.
Vì thế, FBI đã để Lee trở về Hong Kong đoàn tụ với gia đình, theo tài liệu tòa án. Các đặc vụ, làm việc tại một văn phòng ở bắc Virginia, đánh cược rằng chỉ cần bình tĩnh, kiên nhẫn theo dõi, họ sẽ biết được bằng cách nào Trung Quốc có thể phá vỡ mạng lưới tình báo của Mỹ và xác định rõ liệu Lee có nhúng tay vào hay không.
Gần 5 năm sau, khi Lee bất ngờ trở về Mỹ hồi đầu tuần, FBI bắt đầu hành động. Bước xuống khỏi phi cơ tại sân bay quốc tế Kennedy hôm 15/1, đi qua khu vực hải quan, Lee được đặc vụ FBI Kellie O' Brien gọi tên. Lee trả lời và ông bị bắt.
Tuy nhiên, ngoài một cáo buộc đối với Lee mà thực tế các nhà điều tra Mỹ hoàn toàn có thể đưa ra cách đây nhiều năm, không có bất kỳ bước tiến nào khác. Họ vẫn chưa biết Lee liên quan đến vụ việc như thế nào.
Một quan chức ở Washington cho hay hiện họ không có ý định buộc Lee tội gián điệp, cung cấp bí mật của Mỹ cho Trung Quốc hay bất kỳ cáo buộc nào khác. Lee chỉ bị kết tội lưu trữ trái phép thông tin mật. Câu hỏi bằng cách nào Trung Quốc khám phá được mạng lưới thông tin của CIA vẫn còn bỏ ngỏ.
New York Times đưa tin về việc mạng lưới CIA ở Trung Quốc bị lật tẩy hồi năm ngoái, dẫn thông tin từ 10 quan chức chính phủ Mỹ, những người không được phép chia sẻ công khai về cuộc điều tra. Một số nguồn tin miêu tả Lee là nghi can chính.
Lee, 53 tuổi, từng có một sự nghiệp đáng chú ý ở CIA. Ông trở thành công dân Mỹ và sau 4 năm phục vụ trong quân đội, Lee theo học ngành quản trị kinh doanh quốc tế tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii. Lee tốt nghiệp năm 1992. Trải qua một năm, ông tiếp tục nhận tấm bằng thạc sĩ về quản trị nguồn nhân lực.
Kể từ đây, Lee gia nhập CIA, mang vỏ bọc một nhà ngoại giao để thực hiện nhiệm vụ bí mật. Theo hồ sơ lưu trú cũ, Lee dường như từng hoạt động ở Tokyo, Nhật Bản, từ năm 1999 đến năm 2002. Nhà chức trách Mỹ cho biết Lee cũng từng làm việc cho Chi nhánh Đông Á tại trụ sở chính CIA và văn phòng CIA ở Bắc Kinh trước khi thôi việc vào năm 2007 và đến Hong Kong.
Cuối năm 2010, thời điểm CIA nhận ra các gián điệp của mình liên tục biến mất, sự nghi ngờ chưa đổ dồn vào Lee. Khi mối lo lắng nội gián ngày càng lớn dần lên, chính phủ đã thành lập một lực lượng đặc biệt bao gồm các quan chức, đặc vụ từ cả CIA và FBI. Ông Charles McGonigal, đặc vụ phản gián kỳ cựu của FBI, nhận trách nhiệm lãnh đạo đơn vị này.
Tình trạng các điệp viên biến mất tiếp tục diễn ra. Họ đa phần bị giết hoặc bi bắt giữ ở Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích kết luận Lee biết danh tính rất nhiều người dù đã rời khỏi CIA nhiều năm. Không ai khác ngoài Lee đã làm lộ những bí mật về ma trận mà chính phủ sử dụng để xác định các mối đe dọa gián điệp tiềm tàng, một cựu quan chức Mỹ nhớ lại.
Nhưng những dấu hiệu cảnh báo có thể sai. Tại CIA, vụ bắt nhầm Brian J. Kelly, một đặc vụ Mỹ song bị FBI nghi ngờ là gián điệp Nga, đến nay vẫn bị xem là "nỗi xấu hổ" đối với hoạt động phản gián và họ không muốn lặp lại. Mặt khác, những năm gần đây, nỗ lực lật tẩy điệp viên Trung Quốc ở Mỹ của Bộ Tư pháp thường xuyên dẫn tới các cáo buộc đối với những người Mỹ gốc Hoa, do đó họ cần thận trọng.
Trong vụ việc của Lee, vẫn tồn tại những cách giải thích khác. Một số nhà điều tra tin rằng Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống liên lạc giữa CIA với những người cung cấp tin. Họ từng gặp vấn đề này ở những quốc gia khác. Số khác nói công nghệ bảo mật thông tin liên lạc của CIA quá lỏng lẻo đối với những chuyên gia máy tính Trung Quốc. Có người còn chỉ trích các quan chức CIA ở Bắc Kinh quá sơ hở nên đã tự để lộ thân phận trong những cuộc gặp với các nguồn tin.
Tháng 8/2012, FBI đã theo dõi Lee khi ông cùng gia đình trở về Mỹ. Các đặc vụ bí mật đột nhập vào phòng khách sạn Lee thuê ở Hawaii và Virginia. Họ tìm thấy hai cuốn sổ nhỏ ghi những thông tin tuyệt mật, bao gồm danh tính của các đặc vụ CIA ngầm.
Thông tin trong các cuốn sổ còn bao gồm chi tiết những cuộc gặp giữa người cung cấp tin cho CIA với đặc vụ ngầm cũng như tên thật và số điện thoại của họ.
Các đặc vụ liên tục nói chuyện với Lee những tháng sau đó. Cả bộ trưởng tư pháp và giám đốc FBI thời đó là ông Eric H. Holder Jr. và ông Robert S. Mueller III đều được báo cáo đầy đủ về cuộc điều tra. Họ cam kết sẽ cung cấp mọi nguồn lực cần thiết. Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao cho hay họ không nhớ chính quyền Mỹ khi ấy có bất kỳ động thái thúc giục nào liên quan đến việc bắt giữ Lee hay cố cáo buộc Lee tội gián điệp.
Tháng 6/2013, FBI và CIA quyết định để Lee rời đi. Ít nhất một lần trong khoảng vài năm trở lại đây, Lee đã về Mỹ nhưng FBI không chú ý tới. Không rõ bằng cách nào và vì sao ông làm vậy.
Bộ Tư pháp Mỹ từng lên kế hoạch sẽ bắt Lee nếu ông về Mỹ vào cuối năm nay để dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái. Nhưng cuối cùng, Lee bắt một chuyến bay về New York sớm hơn suy đoán. Các công tố viên Mỹ đã phải chạy đua với thời gian để ra lệnh bắt Lee, việc làm mà họ đã phải chờ nửa thập kỷ để thực hiện.
Vũ Hoàng