![]() |
Những phần tử cực đoan đang cướp đất của người da trắng. |
Ngày 1/9, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan kêu gọi Zimbabwe tiến hành cải cách ruộng đất “công bằng, phải thật công bằng”. Hôm nay (6/9), đến lượt bộ trưởng các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung (Anh và các nước thuộc địa cũ của Anh) nhóm họp ở Abuja (Nigeria) để tập trung bàn về tình hình Zimbabwe. Rõ ràng cuộc cải cách đã không còn là vấn đề riêng của nước này nữa. Bởi không chỉ Zimbabwe, nhiều nước châu Phi khác, đặc biệt là Nam Phi, cũng đang phải đối mặt với vấn đề khá phức tạp: Phân phối quỹ đất giữa người da đen (chiếm đa số) và người da trắng (thiểu số).
Tình hình chính trị ở Zimbabwe ngày càng bất ổn. Tổng thống Robert Mugabe không còn tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng cho một chủ trương “nhân đạo” nữa bởi tình trạng bất ổn ở châu lục sẽ ảnh hưởng xấu đến đầu tư nước ngoài vào đây.
Đi tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
Xưa nay ở Zimbabwe, nông dân da trắng sở hữu phần lớn đất nông nghiệp tốt nhất nước. Theo số liệu thống kê của chính phủ (ban hành trước khi khủng hoảng xảy ra), 32% đất nông nghiệp của Zimbabwe (khoảng 10 triệu ha) nằm trong tay 4.400 người da trắng. 38% (tương đương 16 ha) thuộc sở hữu của khoảng 1 triệu hộ gia đình da đen. Đất của người da trắng thì màu mỡ hơn vì nằm ở những địa phương nhiều mưa, còn đất của nông dân da đen thì thường rơi vào vùng khô hạn. Vì thế nếu xét đến lợi thế thì người da trắng nắm trong tay phần đất sinh lời hơn nhiều.
Người ngoài đến đất nước này sẽ thấy những nông trại hiện đại, bề thế của dân da trắng nằm xen kẽ với những túp lều thấp bé của nông dân da đen nghèo khổ.
Tình trạng này bắt nguồn từ nguyên nhân lịch sử: Vào thời kỳ thực dân, những người da đen đã bị ép phải rời khỏi mảnh đất của cha ông họ để nhường đất cho chủng tộc “cao quý” hơn là dân da trắng. Chính nạn phân biệt chủng tộc trong vấn đề ruộng đất này đã dẫn đến cuộc chiến tranh du kích giành độc lập cho Zimbabwe, kéo dài suốt thập niên 70, cho đến năm 1980 thì Zimbabwe độc lập hoàn toàn. Tiếc rằng 20 năm sau, mọi chuyện vẫn hầu như không thay đổi. Bây giờ thì chuyện ruộng đất lại làm đất nước một lần nữa chia rẽ.
Ông Robert Mugabe, 77 tuổi, là Tổng thống Zimbabwe kể từ khi nước này giành độc lập từ Anh (năm 1980). Ông bảo vệ chủ trương của mình, nói rằng đây là việc làm quan trọng sống còn để đất nước có thể phát triển kinh tế. “Đất này thuộc về các bạn và các bạn phải giành lấy nó. Đất là nơi cất giữ tài sản của chúng ta”, ông nói với những người ủng hộ.
Nhưng phân phối lại đất đai không phải vấn đề đơn giản. Nông dân bị tước quyền sở hữu thì đòi được đền bù, còn đối với những người được cấp đất, chính phủ cũng phải có sự thay đổi tương ứng trong cơ sở hạ tầng, chẳng hạn đường sá, trường học, bệnh viện… tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống. Nhưng ngân sách nhà nước quá hạn hẹp, không đủ trang trải tất cả những chi phí khổng lồ đó. Tổng thống Mugabe đòi Anh đền bù thiệt hại cho những nông dân da trắng bị mất đất, vì thực dân Anh chứ không phải ai khác đã cai trị Zimbabwe, vào thời phát sinh mâu thuẫn về ruộng đất. Đáp lại, chính phủ của Thủ tướng Tony Blair nói rằng từ năm 1980, họ đã trao cho nước thuộc địa cũ 44 triệu bảng để tiến hành cải cách ruộng đất, nhưng phần lớn đất đai được tái phân phối lại rơi vào tay các bộ trưởng và quan chức chính phủ. Thêm nữa, họ sẽ không trợ cấp cho một cuộc cải cách bạo lực và bất chấp luật pháp.
Nhiều nước khác cũng từ chối viện trợ cho Zimbabwe, lấy lý do chính quyền các cấp ở đây không trong sạch. Bên cạnh đó, các nhà phân tích còn sợ rằng đem chia nhỏ một quỹ đất lớn cho mọi người mà không có cách quản lý thích hợp thì sẽ là thảm họa cho nền kinh tế nông nghiệp của đất nước. Đến lúc ấy, liệu Zimbabwe có trả nổi nợ nước ngoài không?
![]() |
"Người da trắng chúng tôi cũng là dân Zimbabwe cơ mà". |
Người da trắng thì không hiểu tại sao họ phải mất đất, mất tiền vì những chuyện xảy ra trong quá khứ. Có những cặp vợ chồng già nói trong nước mắt: “Chúng tôi cũng là dân Zimbabwe cơ mà”. Nhiều nông dân da trắng nói rằng khi đất nước độc lập, họ đã mua đất với giá thị trường đàng hoàng và không dính líu gì với “tội ác của bọn thực dân” cả.
Trước tình hình đó, Tổng thống Mugabe bèn tuyên bố sẽ lấy đất của người da trắng cho người da đen mà không bồi thường gì hết, mặc kệ tòa án và hiến pháp. Hàng nghìn người ủng hộ ông bèn “thừa thắng xông lên”, chiếm lấy các trang trại của dân da trắng, nhiều khi cưỡng ép họ ký vào giao kèo nhượng đất cho mình. Bắt đầu từ tháng 2/2000, một số người tự xưng là chiến binh trong cuộc chiến tranh giải phóng Zimbabwe (thập niên 1970) bắt đầu công khai chiếm đoạt đất đai của người da trắng. Trong 3 tuần qua, họ đã giành lấy hàng trăm nông trại trên khắp đất nước, đóng cọc, cắm cờ trên vô số mảnh đất nhỏ và đuổi cổ chủ cũ của chúng khỏi những nơi đó. Tranh đất kéo theo bạo lực: 9 nông dân bị sát hại và nhiều người bị đánh đập dã man.
Các đối thủ của Robert Mugabe lên án ông lợi dụng vấn đề đất đai để đe dọa các đối thủ chính trị và tranh thủ sự ủng hộ từ các vùng nông thôn, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng 4 năm tới. Như vậy có khác nào hy sinh vận mệnh của đất nước vì lợi ích cá nhân.
Suy thoái kinh tế
Chính trị bất ổn khiến các ngành xuất khẩu chính của Zimbabwe như thuốc lá và khoáng sản bị thiệt hại nặng nề. Hậu quả là đất nước thiếu nguồn ngoại tệ mạnh. Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại của đất nước càng ngày càng xấu đi. Đầu tư, viện trợ nước ngoài cùng giảm sút. Năm nay, vốn đầu tư từ ngoài đổ vào Zimbabwe giảm trên 60% so với năm 2000. Và bất chấp những nỗ lực cải thiện quan hệ, chính phủ vẫn không nhận được tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Đối với nhân dân Zimbabwe, kết quả của cải cách ruộng đất là nghèo đói, chợ đen phát triển không kiểm soát nổi, tình trạng vô chính phủ gia tăng. Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2000 phản ánh bức tranh thảm hại của nền kinh tế Zimbabwe: GDP -6,1% (giảm), lạm phát 56,6%, nợ tính trên đầu người 406 USD, sản lượng lương thực sa sút (những cây lương thực chính như ngô giảm trên 60%).
Zimbabwe hiện nay là tấm gương nhãn tiền cho Nam Phi. Đất nước này cũng đang phải đau đầu vì vấn đề ruộng đất. Con số hàng nghìn người biểu tình ở Durban (nơi tổ chức hội nghị LHQ về chống phân biệt chủng tộc) đã nói lên điều đó. Giải quyết được rắc rối ở Zimbabwe sẽ chỉ ra cho các nước châu Phi những hướng đi thích hợp trong việc tiêu diệt nạn phân biệt màu da, thực hiện bình đẳng giữa người da trắng và người da đen.
Đoan Trang