Bức ảnh chụp ngày 21/2 trên con phố Changjon ở Bình Nhưỡng với những tòa nhà được thắp đèn tráng lệ. Ảnh: AP |
Trong các siêu thị, người dân có thể mua rượu Italy, chocolate Thụy Sĩ, kiwi nhập khẩu từ New Zealand và bánh sừng bò nóng hổi. Họ cũng được cung cấp dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da mặt, nhuộm màu da, chơi mini golf hoặc nhâm nhi một tách cappuccino.
Gần 2 triệu người Bình Nhưỡng đang dùng điện thoại di động. Các cửa hàng máy tính không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân ưa thích máy tính bảng, chủ yếu là "iPad". Một bệnh viện nhỏ mới mở, chuyên ngành ung bướu, nhập khẩu máy chụp X-quang trị giá 900.000 USD từ châu Âu.
Bình Nhưỡng vốn đi đầu trong cả nước, tuy nhiên sau hơn một năm nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền và hứa sẽ kết thúc thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", quả thực đã xuất hiện những thay đổi lớn lao tại thành phố này.
Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên dường như không thay đổi với thời gian, những chiếc xe điện cũ kỹ đi bên cạnh những tòa nhà bằng bê tông khô cứng với những kính cửa sổ nứt vỡ, tróc sơn và bậc thềm sứt mẻ. Tuy nhiên, từ năm 2010, trong chiến dịch xây dựng thành phố mới cho nhà lãnh đạo trẻ, Bình Nhưỡng được trang hoàng lại.
Giàn giáo xuất hiện dày đặc trên các con phố, băng rôn đỏ ghi dòng chữ với nội dung cổ vũ lao động hăng say bay phần phật trên nóc các tòa nhà chọc trời do những người lính xây dựng. Từ năm 2011, những người lính bắt đầu tập trung bên bờ sông Taedong, để xây dựng khu phố Changjon, nơi những căn nhà đổ nát nhường chỗ cho các cửa hàng, nhà hàng và khu căn hộ cao cấp.
Ngày nay, khu phố này không khác gì Seoul hay Thượng Hải, những sản phẩm của Hershey's Kisses, Coca-Cola và Doritos nhập khẩu từ Trung Quốc và Singapore được bày bán đầy trong siêu thị.
"Món này có ngon không?", một người Triều Tiên chỉ vào miếng cá dưới tấm biển viết bằng tiếng Anh và yêu cầu người bán hàng đội chiếc mũ đầu bếp màu trắng cắt miếng cá ngừ để mang về làm món sashimi ăn sống. Trên tầng, chuyên gia pha chế phục vụ những cốc cà phê Italy, bánh mỳ baguette và những chiếc bánh cưới trắng tinh.
Mun Kang Sun, một cư dân mới trên phố Changjon, dẫn phóng viên của AP đi thăm quan căn hộ mà cô và chồng mới được cấp, để tưởng thưởng cho thành tích lao động của cô tại nhà máy dệt Kim Jong-suk.
Một bức ảnh cưới đóng khung lớn được treo trên tường, ở đầu chiếc giường theo kiểu phương Tây của họ. Chiếc máy giặt được đặt trong phòng tắm, một chiếc máy tính hiệu IBM để phục vụ học tập và trong nhà cũng có chiếc TV màn ảnh rộng 42 inches.
Mun mồ côi cha mẹ và bắt đầu làm việc tại nhà máy từ năm 16 tuổi. Cô được tặng danh hiệu "anh hùng" bởi làm việc với năng suất 200% trong vòng 13 năm. Cô nói làm được việc đó nhờ việc tập trung điều khiển 4-5 chiếc máy cùng lúc.
"Khi chúng tôi nghe được tin rằng chúng tôi được cấp nhà và nhận được chìa khóa căn hộ rồi đi xem căn hộ, chúng tôi hoàn toàn bị sốc vì căn nhà quá đẹp", Kim Hyok, chồng của Mun, nói. "Vẫn không thể tin nổi đây là nhà của tôi, tôi vẫn có cảm giác là đang ở khách sạn".
Dù căn hộ có vòi nước, nhưng thói quen cũ không thay đổi. Bồn tắm được chứa đầy nước với chiếc xô bồng bềnh, như rất nhiều ngôi nhà khác trong đất nước vẫn sử dụng gầu để múc nước từ giếng lên.
Ở những nơi khác trong thành phố, những căn nhà cũ kỹ được nâng cấp. Tình trạng mất điện cũng đã giảm dần ở đây khi nhà máy thủy điện được khánh thành ở phía tây bắc, tuy nhiên cũng vẫn xảy ra tình trạng cắt điện đột ngột giữa bữa ăn tối.
Ở ngoại ô Bình Nhưỡng, màn đêm xuống sớm hơn. Ryonggang, khu vực phía tây thành phố, điện tắt cùng lúc với mặt trời lặn, mọi người dùng nến và nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio. Một gia đình khác có máy phát điện và hai vợ chồng chủ nhà ngồi xem DVD vào buổi tối qua chiếc TV mà họ phủ vải cẩn thận vào ban ngày.
Gia đình họ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Nước được bơm từ giếng ở trong bếp. Hơi ấm được cung cấp từ hệ thống cũ dưới sàn nhà bằng gỗ. Rác thải được tái chế thành khí gas để đun nấu. Thực phẩm được nuôi trồng ngay trong vườn nhà. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng sung túc như vậy. Vẫn còn nhiều người nghèo khó trên đất nước. Một người mẹ run rẩy vì lạnh ôm con ngồi bên vệ đường, một chàng trai ở ngôi làng bị lũ lụt không đủ quần áo ấm để mặc, những người lính trẻ gầy còm với nét mệt mỏi hiện trên khuôn mặt.
Cuộc sống ở nông thôn Triều Tiên tương tự như ở Hàn Quốc những năm đầu sau chiến tranh Triều Tiên, mặc dù những năm 1970, Triều Tiên là nước giàu hơn trong hai miền. Ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới còn Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã bắt đầu những thương vụ mới mẻ với các công ty Trung Quốc, Singapore, Ai Cập, Italy... Các công ty liên doanh có những quầy hàng thực phẩm, máy tính tràn ngập thủ đô bất chấp các lệnh trừng phạt.
Tiền sảnh long lanh của một khách sạn ở Bình Nhưỡng những ngày đầu tháng 2. Ảnh: AP |
Trong nhiều năm, hàng hóa nhập khẩu được người Triều Tiên nhìn nhận với thái độ hoài nghi, nhưng ông Kim Jong-un đã giải quyết sự tò mò đối với hàng hóa nước ngoài bởi những hợp đồng thương mại. Jong-un dẫn lời của cha của ông, ông Kim Jong-il, nói rằng Triều Tiên "đang hướng ra thế giới", đất nước phải trở nên quen thuộc với các bạn hàng quốc tế dù vẫn tiếp tục có những sở thích của riêng mình.
Kim Jong-un không nới lỏng việc hạn chế người Triều Tiên đi du lịch, lướt web hoặc xem phim trên mạng, nhưng ông lên kế hoạch để đưa tháp Eiffel của Pháp, Big Ben của Anh vào công viên thế giới thu nhỏ, dự kiến khai trương trong năm nay.
Dòng chảy tiền mặt và hàng hóa đã tạo nên tầng lớp trung lưu ở thủ đô. Bình Nhưỡng nay cập nhật những xu hướng thời trang hiện đại với áo khoác có thắt lưng kiểu cách, tóc cắt ngắn sáng sủa và móng tay sơn óng ánh. Mới tuần trước, tại một nhà hàng phong cách châu Âu, một cặp đôi trẻ tuổi hẹn hò với ly cocktail khêu gợi, có gắn quả cherry và một bàn đầy pizza, bên cạnh là những chiếc điện thoại di động.
Tại một tiệm làm đẹp, cắt tóc ngắn trở thành mốt để các chị em thay đổi, sau khi những ca sĩ nổi tiếng của ban nhạc quân đội Moranbong (Hoa Mẫu đơn) để tóc bob, mặc váy ngắn màu đen và chơi guitar điện tử. "Có rất nhiều cô gái trẻ yêu cầu tôi cắt tóc giống như họ", chuyên gia về kiểu tóc Chae Cho Yong nói.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa thủ đô và nông thôn Triều Tiên ngày càng được nới rộng và khi được hỏi ý kiến, người Triều Tiên vẫn đồng loạt trả lời giống nhau, và giống trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Họ vẫn không được tự do vào mạng Internet hoặc gọi điện thoại quốc tế cũng như không được tiếp xúc với người nước ngoài khi chưa được phép. Người nước ngoài cũng chỉ được tới thăm những ngôi nhà, cửa hàng và văn phòng nhất định, vào các ngày trong tuần trừ thứ 7, ngày được cho là có buổi học bồi dưỡng tư tưởng hàng tuần dành cho người Triều Tiên.
Vũ Hà (theo AP)