Gần 500 người Triều Tiên, gồm quan chức, vận động viên, đội cổ vũ và nghệ sĩ đang ở Hàn Quốc tham dự Olympic mùa đông tại PyeongChang. Đây cũng là nơi mà hơn 31.000 người Triều Tiên khác đã đào tẩu đến trong 6 thập niên qua, trong đó có một nữ vận động viên khúc côn cầu chạy trốn năm 1997 và một vận động viên judo đào tẩu khi đi thi đấu ở Tây Ban Nha năm 1999.
Hiện sống ở Hàn Quốc sau khi đào tẩu năm 2006, Han Seo Hee từng là thành viên trong đội cổ vũ Triều Tiên. Cô nói rằng đội cổ vũ bị theo dõi ở mọi nơi và họ biết rõ về hậu quả mà gia đình phải đối mặt nếu họ đào tẩu, theo CNN.
"Một phái đoàn Triều Tiên được cử đi nước ngoài luôn có đảng viên, nhân viên an ninh và quan chức hành chính đi theo, lần này cũng như vậy", cô nói.
Một cựu cảnh sát Triều Tiên cho biết các vận động viên sẽ bị giám sát 24/7. Họ không thể đi vệ sinh một mình và những người giám sát sẽ kiểm tra xem họ nói chuyện với ai.
Các vận động viên Triều Tiên ở Pyeongchang bị truyền thông theo chân ở khắp mọi nơi. Trong hầu hết trường hợp, họ chỉ mỉm cười và không đáp lại các câu hỏi của các phóng viên. Han cho biết khi còn ở trong đội cổ vũ, cô được yêu cầu không nói chuyện, không trả lời câu hỏi của các phóng viên nước ngoài và thậm chí không giao tiếp bằng ánh mắt.
Các vận động viên Triều Tiên đang sống ở ba tầng trong khu nhà tại làng Olympic Gangneung. Mỗi căn hộ có từ hai giường trở lên, điều đó có nghĩa là không người Triều Tiên nào sẽ ở một mình.
Han cho biết thêm rằng người Triều Tiên luôn được khuyến khích để ý và báo cáo những hành vi bất thường hoặc khả nghi của bạn bè hay gia đình. "Không chỉ cấp trên mà tất cả những người còn lại trong đoàn đều sẽ bị phạt nếu không báo cáo những dấu hiệu đáng ngờ của người có ý định đào tẩu", cô nói.
Trong thời gian ở Hàn Quốc, đoàn nghệ sĩ Triều Tiên sống trên phà Man Gyong Bong, cũng là con phà đã đưa họ đến Hàn Quốc. Han nói rằng những người được chọn vào đoàn nghệ thuật đã được sàng lọc kỹ. Họ phải có lý lịch tốt và trung thành với chính quyền, nên có ít khả năng họ sẽ nghĩ đến việc đào tẩu.
Thực tế, kịch bản người trong phái đoàn Triều Tiên đào tẩu khi dự Olympic cũng là nỗi lo của chính phủ Hàn, vì trường hợp đó sẽ khiến Seoul lâm vào thế khó, không biết phải bàn giao họ lại cho Triều Tiên hay chấp nhận họ - điều sẽ làm Bình Nhưỡng nổi giận.
Lee Chul-sung, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Hàn Quốc phụ trách an ninh cho Thế vận hội, đã cho lập một nhóm cảnh sát riêng chuyên đi theo đoàn Triều Tiên. "Tôi không muốn nói rằng các vận động viên Triều Tiên bị cô lập nhưng đúng là họ sinh hoạt tách biệt với các vận động viên khác", ông nói.
Lee cho biết thêm Hàn Quốc đã bố trí các cảnh sát luôn canh gác ở bên ngoài khu nhà nhằm giữ an toàn cho phái đoàn, trong bối cảnh các cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra ở bất cứ nơi nào vận động viên Triều Tiên đến.
Cựu cảnh sát Triều Tiên nói rằng việc giám sát phái đoàn được Bình Nhưỡng tiến hành rất lặng lẽ. Các quan chức tình báo Triều Tiên sẽ giả vờ làm các nhân viên hỗ trợ, chẳng hạn như người mát xa cho các vận động viên.
Việc kiểm tra và đánh giá cũng sẽ không dễ dàng khi họ đã trở về nhà. "Các vận động viên, nghệ sĩ và đội cổ vũ sẽ phải trải qua quá trình xem xét, phê bình để đánh giá xem họ đã đại diện cho đất nước trước thế giới bên ngoài như thế nào", cựu cảnh sát Triều Tiên nói.
Phương Vũ