China Daily đốt nóng không khí với bài xã luận nói rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là "đáng bị phản đối" và gọi đó là hành động "gây rối trắng trợn".
Trong bài xã luận, tác giả cho rằng những lời chỉ trích việc thành lập "thành phố Tam Sa" trên quần đảo Hoàng Sa là để phục vụ cho lợi ích riêng của Washington, "thể hiện rõ sự coi thường nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác".
Bản quốc tế của tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily), cơ quan phát ngôn của đảng, thậm chí còn dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn, AFP cho hay.
"Bản tuyên bố của Mỹ đã không phân biệt được đúng sai, định hướng sai cho dư luận, gửi đi thông điệp sai lầm và cần được nghiêm khắc bác bỏ. Chúng tôi hoàn toàn có thể yêu cầu Mỹ rằng: Hãy ngậm miệng lại", xã luận có đoạn.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập phó đoàn ngoại giao Mỹ để bày tỏ lời phản đối tuyên bố của Mỹ, đồng thời yêu cầu Mỹ "tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc".
Trung Quốc, viện dẫn yêu sách "đường 9 đoạn" hay còn gọi là đường lưỡi bò vốn không có cơ sở và không được quốc tế công nhận, để đòi chủ quyền đến 80% Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Biển Đông hiện tồn tại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của nhiều nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia. Căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây khi Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động trái phép trên biển, khiến các nước liên quan liên tục phản đối.
Tàu chiến mới mà Philippines sắm của Mỹ từ khi tranh chấp chủ quyền nóng lên hồi năm ngoái. Ảnh: Thechive |
Trong tuyên bố ngày 3/8, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói việc Trung Quốc nâng cấp bộ máy quản lý và lập đơn vị quân đội đồn trú tại "Tam Sa" là những hành động đối nghịch với những nỗ lực ngoại giao chung của các nước nhằm giải quyết những bất đồng và càng làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Washington "lo ngại sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và đang theo dõi sát sao mọi diễn biến ở đây".
Các nghị sĩ cao cấp của Mỹ như John McCain và Jim Webb cũng đã bày tỏ sự lo ngại về các diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố lập cơ sở quân đội đồn trú cho cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Trước đó ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bên lề Diễn đàn an ninh khu vực ARF, phát biểu Mỹ mong muốn vấn đề Biển Đông được giải quyết hòa bình không có sự "chèn ép, hăm dọa hay đe dọa" nào. Bà Clinton trước đó hai năm đã gây chú ý trong dư luận khi tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tổ chức nghiên cứu chống xung đột toàn cầu (ICG) cuối tháng trước ra báo cáo cho rằng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể biến thành xung đột nếu không được quản lý thích đáng.
Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối những hành động trên của Trung Quốc và lên án nước này đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam tuyên bố những hành động trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Vũ Hà