Một tàu tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: china.org.cn. |
Hôm 3/8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc lập chính quyền và đưa quân đồn trú tới cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm của Việt Nam là những động thái đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao tập thể nhằm giảm thu hẹp bất đồng trong tranh chấp trên Biển Đông và có thể làm căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Ngoài ra, Mỹ cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện những biện pháp cần thiết để hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đồng thời khẳng định ủng hộ Nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông của ASEAN. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang lo ngại về tình hình Biển Đông và sẽ theo dõi sát.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự phản đối của họ trước ông Robert Wang, phó đoàn ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc. Ông Zhang Kunsheng, một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định những lời bình luận của Washington "không tôn trọng sự thật" và phát đi "tín hiệu sai lầm nghiêm trọng" về Trung Quốc, AFP đưa tin.
Tình thế ăn miếng trả miếng hiện nay khiến nhiều người dự đoán về sự căng thẳng sẽ gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng của Trung Quốc sắp diễn ra cuối năm nay.
Trước đó, các nghị sĩ cao cấp của Mỹ như John McCain và Jim Webb đã bày tỏ sự lo ngại về các diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố lập cơ sở quân đội đồn trú cho cái gọi là thành phố Tam Sa. Mới đây, Mỹ tuyên bố sẽ điều thêm máy bay ném bom và tàu chiến đến căn cứ ở đảo Guam tại Tây Thái bình dương.
ICG, tổ chức nghiên cứu chống xung đột toàn cầu, cuối tháng trước ra báo cáo cho rằng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể biến thành xung đột nếu không được quản lý thích đáng. ICG lưu ý rằng trong số các bên tham gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhiều bên đang tích cực mua sắm thêm vũ khí và gọi các diễn biến này là "theo hướng sai lầm". Phillippines vừa công bố sẽ mua hai "tàu chiến thực sự" được trang bị pháo và tên lửa từ Italy.
Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" có trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào cuối tháng 6, nâng cấp lên thành thành phố cấp khu vực. "Hội đồng Nhân dân Khóa I của Tam Sa" đã họp và tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Thị trưởng, với tham vọng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền.
Đến ngày 20/7, Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập và triển khai quân đồn trú tại "Tam Sa". Đơn vị này tương đương cấp phân khu, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động quốc phòng, quân bị và thực hiện các hoạt động quân sự.
Việt Nam và Philippines đã lên tiếng phản đối những hành động trên của Trung Quốc và lên án nước này đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam tuyên bố những hành động trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Biển Đông là một khu vực rộng hơn 1,5 triệu km vuông nằm giữa các nước Đông Nam Á, được cho là có trữ lượng dầu và đặc biệt là khí đốt lớn cùng nguồn hải sản dồi dào. Biển Đông cũng là tuyến đường vận tải thương mại quan trọng của thế giới, nối từ Ấn Độ dương sang tây Thái Bình dương. Các bên tranh chấp chủ quyền Biển Đông gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Brunei.
Mỹ đánh dấu mối quan tâm của mình vào tranh chấp Biển Đông kể từ tháng 7 năm 2010, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tại hội nghị ARF ở Hà Nội, rằng Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, Biển Đông hiện trở thành một trong những điểm nóng ở châu Á.
Việt Linh