Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ thử tên lửa sáng 29/11 và nói rằng phương tiện phóng mới "thật hoàn hảo". Ông mô tả phương tiện phóng mới là một "bước đột phá".
Truyền thông Triều Tiên cũng nói rằng đầu đạn tên lửa có thể chịu được áp suất khi trở lại bầu khí quyển Trái Đất, theo Reuters.
Sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phải trải qua giai đoạn hồi quyển. Đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn. Nếu vượt qua được giai đoạn này, đầu đạn tên lửa, thường mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân, mới có thể đánh trúng được mục tiêu đã định.
Nhiều chuyên gia hạt nhân cho rằng Triều Tiên vẫn chưa chứng minh họ đã vượt qua được mọi rào cản kỹ thuật, bao gồm khả năng gắn đầu đạn hạt nhân trên đỉnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng họ cho rằng điều này có thể sớm xảy ra.
Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, nói: "Chúng ta sẽ không thích điều đó, nhưng rồi chúng ta sẽ phải học cách sống với việc Triều Tiên có khả năng nhắm mục tiêu vào Mỹ bằng vũ khí hạt nhân".
Triều Tiên sáng 29/11 phóng một quả ICBM Hwasong-15 sau 75 ngày "im hơi lặng tiếng", chấm dứt tranh cãi về những lý do nước này không thử tên lửa trong hơn hai tháng. Quả đạn đạt độ cao 4.475 km, tầm xa 960 km và thời gian bay 54 phút, được coi là tên lửa bay cao nhất và có tầm bắn xa nhất của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau vụ thử. Ông Trump "thúc giục Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy sẵn có để thuyết phục Triều Tiên ngừng khiêu khích và phi hạt nhân hóa”, Nhà Trắng thông báo.
Tổng thống Mỹ cũng viết trên Twitter rằng sẽ có thêm lệnh trừng phạt được áp đặt với Triều Tiên vào ngày 29/11.
Phương Vũ