"Đại sứ quán Triều Tiên chính thức nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ họ và kiến nghị để công nhân Triều Tiên có thể ở lại đây làm việc", hãng tin Interfax dẫn lời của ông Kazbek Taysayev, nghị sĩ hạ viện đồng thời là thành viên của hội hữu nghị giữa Nga và Triều Tiên, cho biết.
Từ ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng, bao gồm việc cấm các nước cấp giấy phép lao động mới cho công nhân mang quốc tịch Triều Tiên nhưng vẫn cho phép những trường hợp lao động đang làm việc tiếp tục ở lại.
Đa phần trong số 30.000-40.000 lao động Triều Tiên đang lao động hợp pháp ở Nga được thuê trước khi lệnh trừng phạt mới có hiệu lực nên số lao động này sẽ không bị ảnh hưởng, Interfax dẫn thông cáo của Bộ trưởng Lao động Nga Maxim Topilin.
Lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng tới 3.500 công nhân ký hợp đồng lao động sau trong tháng 9. Tuy nhiên, theo ông Taysayev, với kể cả những lao động này, nếu họ chuẩn bị giấy tờ sớm hơn thời điểm lệnh trừng phạt có hiệu lực, nhiều khả năng họ vẫn sẽ được ở lại làm việc.
Triều Tiên gần đây hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế sau khi nước này thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 tăng cường trừng phạt Triều Tiên, bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, đóng băng tài sản và cấm đi lại với một số quan chức.
An Hồng