Các công ty và thương nhân địa phương ở Đan Đông cho biết công nhân Triều Tiên bắt đầu rời khỏi thành phố, sau khi Liên Hợp Quốc đưa ra lệnh trừng phạt mới nhất nhằm hạn chế nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên, theo Reuters.
Theo chính phủ Mỹ, Triều Tiên có gần 100.000 công nhân ở nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc và Nga, đem về gần 500 triệu USD tiền lương mỗi năm cho nền kinh tế nước nhà.
Đan Đông là thành phố 800.000 dân, nằm dọc sông Áp Lục, con sông biên giới với Triều Tiên. Ở đây có nhiều nhà hàng và khách sạn thuê bồi bàn và nhạc công Triều Tiên. Trang phục sặc sỡ và những ca khúc, điệu vũ Triều Tiên luôn thu hút khách du lịch.
Các doanh nghiệp điện tử và may mặc ở Đan Đông do người Trung Quốc làm chủ đã thuê hàng nghìn lao động nữ Triều Tiên. Tiền lương được trả thẳng cho chính phủ Bình Nhưỡng.
Quán cà phê Đôi Cánh nằm đối diện sông Áp Lục, từng treo biển quảng cáo có các cô bồi bàn "Triều Tiên xinh đẹp". Quảng cáo nay đã dỡ, còn nhân viên cho biết các cô bồi bàn Triều Tiên đã về nước vài tuần trước vì hết hạn visa.
"Chính sách của chính phủ có nhiều thay đổi. Chúng tôi không tiện bàn thêm", giám đốc của một nhà hàng khác cho biết.
Các video được xem nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy hàng trăm phụ nữ Triều Tiên đang xếp hàng ở cửa khẩu Đan Đông chờ xuất cảnh. Phóng viên Reuters quan sát thấy một nhóm 50 phụ nữ Triều Tiên đang chờ xếp hàng sáng ngày 29/9.
Buôn lậu khó hơn
4 thương nhân, những người kinh doanh các loại hàng hóa khác nhau từ quặng, hải sản cho tới nhân sâm và rượu, cho biết lệnh trừng phạt còn làm tê liệt hoạt động giao thương thông thường.
Một người giấu tên cho biết hải quan và lính biên phòng Trung Quốc kiểm tra gắt gao hơn, khiến việc buôn lậu hàng hóa qua biên giới khó khăn hơn.
"Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt rất lớn, mà kinh tế Đan Đông lại luôn dựa vào mậu dịch biên giới", một nhà buôn Trung Quốc nhận xét.
Hôm 11/9, Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt thứ 9, đáp trả việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6. Lệnh trừng phạt mới hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có. Lệnh trừng phạt mới cũng yêu cầu đóng cửa mọi liên doanh với Triều Tiên và thêm hàng may mặc Triều Tiên vào danh sách cấm xuất khẩu, bên cạnh than đá, quặng sắt và hải sản.
Ép rời nước
Lệnh trừng phạt mới cho phép công nhân Triều Tiên thực hiện hết thời gian lao động trên hợp đồng đang có. Những người làm ăn ở Đan Đông cho biết không thể gia hạn hợp đồng và đơn xin cấp thị thực mới không được chấp thuận.
Một giám sát viên Trung Quốc làm việc tại nhà máy sản xuất dây điện ôtô cho biết nhà máy có khoảng 300 lao động Triều Tiên đang làm việc theo hợp đồng thời hạn nhiều năm, thời điểm hết hạn khác nhau. Tuy nhiên, những người tới Đan Đông sau ngày 5/8, thời điểm Liên Hợp Quốc tuyên bố lệnh trừng phạt thứ 8, đều bị ép phải rời đi. Ông này không nói rõ số người.
Lệnh trừng phạt là cú sốc đối với các thương nhân và doanh nghiệp ở Đan Đông, những người làm ăn lâu dài với Triều Tiên và luôn tin rằng người hàng xóm với Trung Quốc sẽ luôn được kiểm soát.
Đan Đông là một trong những thành phố lớn nhất tỉnh Liêu Ninh, tỉnh đang phải gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, Liêu Ninh là tỉnh có mức tăng trưởng kém nhất trong nửa đầu năm 2017, với mức tăng GDP 2,1%, thấp hơn nhiều so với mức 6,9% của quốc gia.
"Nền kinh tế ở đây hai năm qua không tốt lắm", một thương nhân Đan Đông nói. "Trừng phạt chỉ làm tình huống tệ hơn.
Hồng Hạnh