"Tất cả những người liên quan đến tội ác khủng bố và bị đầu độc bởi 'ba thế lực tà ác' phải đầu hàng các cơ quan pháp luật trong vòng 30 ngày để khai nhận hành vi phạm tội", thông báo được đăng trên tài khoản mạng xã hội của chính quyền thành phố Hami thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc hôm 18/11 cho biết, theo Reuters.
Thông báo của "nhóm duy trì ổn định" thành phố nêu rõ đối tượng bị kêu gọi đầu thú là những người từng tiếp xúc với "các nhóm khủng bố nước ngoài" và thực hiện hành vi Hồi giáo bảo thủ. Việc cấm người khác xem truyền hình, uống rượu, hút thuốc và nhảy múa trong đám cưới cũng bị liệt kê vào danh sách những hành vi cần thông báo cho chính quyền.
Những người công khai phá hủy, chối bỏ hoặc cản trở hệ thống nhận diện của chính quyền cũng như từ chối việc chính quyền cung cấp nhà ở, trợ cấp, thuốc lá hoặc rượu cũng bị xem là phạm tội. Người đầu thú trong thời hạn quy định sẽ được đối xử khoan hồng và nếu cung cấp thông tin có đầu mối quan trọng, họ có thể không bị xử phạt.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động, học giả và chính phủ nước ngoài vì bị cáo buộc giam giữ hàng loạt, giám sát chặt chẽ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác sinh sống ở Tân Cương. Một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 nói rằng Trung Quốc đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số trong các "trại giam khổng lồ được che giấu bí mật" ở Tân Cương.
Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc, nói rằng Bắc Kinh bảo vệ tôn giáo, văn hóa của các cộng đồng thiểu số trong khu vực và các biện pháp an ninh là cần thiết để chống lại ảnh hưởng của các nhóm cực đoan kích động bạo lực. Bắc Kinh cũng khẳng định không thực thi giam giữ tùy tiện và cải cách chính trị.
Các nghị sĩ Mỹ đang đề xuất một dự luật nhằm thúc giục Tổng thống Donald Trump phản ứng mạnh mẽ hơn trước vấn đề Tân Cương, trong đó có việc trừng phạt bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc cùng các quan chức bị cáo buộc gây ra những cuộc đàn áp an ninh.