Dự luật mới yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên ánh hành động của Trung Quốc ở khu vực phía tây Tân Cương, kêu gọi chính phủ Mỹ có những chính sách "đặc biệt" về vấn đề này, đồng thời cân nhắc việc cấm xuất khẩu sang Trung Quốc những công nghệ mà Bắc Kinh có thể dùng để giám sát hoặc bắt người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Reuters ngày 14/11 đưa tin.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng muốn chính quyền Trump cân nhắc đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, bí thư đảng ủy khu tự trị Tân Cương, cùng các quan chức khác bị cáo buộc gây ra những cuộc đàn áp an ninh.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Mỹ cũng như các nhà lập pháp Mỹ không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
"Quá kỳ lạ, họ luôn chọn bỏ qua những vấn đề mà đất nước họ đang phải đối mặt nhưng lại nhiệt tình can thiệp vào vấn đề nội bộ của quốc gia khác, chưa kể còn dựa trên những thông tin sai lệch và với định kiến ý thức hệ mạnh mẽ", bà Hoa nói. "Tôi hy vọng các nhà lập pháp Mỹ có thể quan tâm hơn tới những vấn đề ở nước Mỹ và làm tốt công việc của mình hơn".
Báo cáo hồi tháng 8 của Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc Liên Hợp Quốc cáo buộc Trung Quốc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những cộng đồng Hồi giáo tại khu tự trị Tân Cương. Ủy ban cũng bày tỏ lo ngại về thông tin người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát nghiêm ngặt, thậm chí bị quét điện thoại di động tại các trạm kiểm soát. Mỹ, Canada, Pháp, Đức đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại cải huấn ở Tân Cương.
Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những phần tử ly khai, đồng thời bác bỏ báo cáo của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, sau những phủ nhận ban đầu, quan chức Bắc Kinh cho biết một lượng nhỏ người phạm tội đã được gửi đến các "trung tâm đào tạo nghề", nơi họ được dạy nghề và kiến thức pháp lý.
Các nhà nghiên cứu phương Tây cho hay ngân sách Trung Quốc chi cho xây dựng liên quan đến an ninh ở Tân Cương tăng gấp ba lần trong năm 2017. Dù Trung Quốc khẳng định tiến hành hoạt động đào tạo nghề, dữ liệu của chính quyền Tân Cương cho thấy tình trạng việc làm chưa được cải thiện rõ rệt.