Đội bóng Lợn Hoang với 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên được giải cứu khỏi hang Tham Luang ở Thái Lan tuần trước có cùng đặc điểm với nhiều câu lạc bộ bóng đá châu Âu mà họ thần tượng, đó là sự đa sắc tộc, theo AP. Tuy nhiên, trong khi các cầu thủ ngôi sao tại châu Âu nổi tiếng và giàu có bất kể nguồn gốc, một số thành viên đội Lợn Hoang thậm chí không có tổ quốc.
Trong số 13 thành viên đội Lợn Hoang được cứu từ hang Tham Luang, bốn người trong tình trạng không quốc tịch là Mongkol Boonpium, 13 tuổi; Adul Samon, 14 tuổi; Pornchai Khamluang, 16 tuổi và huấn luyện viên 25 tuổi Ekapol Chanthawong. Theo luật pháp Thái Lan, những người không quốc tịch như họ sẽ không thể ra khỏi tỉnh Chiang Rai nếu chưa xin giấy phép đặc biệt.
Nopparat Kanthawong, huấn luyện viên trưởng đội Lợn Hoang, cho biết trong số 70-80 học viên tại câu lạc bộ, có tới 20 người không có quốc tịch. Ông hy vọng chiến dịch giải cứu các thiếu niên sẽ khiến vấn đề quốc tịch ở Thái Lan được chú ý và chắp cánh cho khát vọng thi đấu chuyên nghiệp của các em.
"Tôi sẽ đề nghị giới truyền thông nhấn mạnh vấn đề mà các em đang phải đối mặt. Những đứa trẻ tham gia đội bóng đều mơ ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng chúng không thể làm được điều này nếu không có quốc tịch", ông cho biết.
Huấn luyện viên giải thích các cậu bé không quốc tịch nếu muốn ra khỏi tỉnh phải được chính quyền cho phép, bất kể lý do cá nhân hay thi đấu bóng đá. Việc các em được cấp hộ chiếu để tới châu Âu theo lời mời của nhiều câu lạc bộ nổi tiếng là nhiệm vụ khó khăn gấp bội.
Quá trình nhập tịch khó khăn
Theo thống kê của chính phủ, Thái Lan có 488.105 người không được cấp quốc tịch. Tuy nhiên, theo Tổ chức Quan sát Quốc tế về tình trạng không quốc tịch, con số thực tế ở quốc gia này có thể lên tới 3,5 triệu người. Tổ chức này cho biết những người không quốc tịch ở Thái Lan không có quyền bầu cử, mua đất, tìm việc làm hợp pháp, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc di chuyển tự do.
Miền bắc Thái Lan là khu vực có đường biên giới lỏng lẻo, tạo điều kiện cho người di cư, tị nạn và những kẻ buôn lậu tự do di chuyển. Nơi đây tập trung nhiều dân tộc, bao gồm Akha, La Hủ, Lật Túc, Dao, Shan, H’mong và Karen.
Tại nước láng giềng Myanmar, khu vực biên giới là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, kém phát triển và hứng chịu nhiều xung đột. Vì vậy, một số người đã di cư tới Thái Lan để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc di chuyển này thường khá thuận lợi do các cộng đồng người thiểu số định cư ở cả hai bên biên giới và chính quyền Thái Lan thường để họ tự do đi lại.
Phụ huynh của Adul đưa cậu từ Myanmar tới Thái Lan để được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, điều cậu không thể có tại quê nhà đầy rẫy bất ổn và xung đột vũ trang. Adul là học sinh nổi tiếng trong trường và là người đã giao tiếp bằng tiếng Anh với các thợ lặn. Cậu bé cũng có thể nói tiếng Thái, Myanmar và Trung Quốc.
"Chúng tôi nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, những người di cư hoặc chạy trốn khỏi tình huống nguy hiểm để đến đây đều không thể quay về quê nhà", Angkhana Neelapaijit, thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan, cho biết.
"Nếu họ có ý định rõ ràng về việc định cư ở Thái Lan, hoặc nếu họ đến từ các nước láng giềng nhưng có con và cư trú tại đây, ít nhất quyền lợi của những đứa trẻ nên được bảo vệ", bà nói thêm.
Bà cho biết những người muốn nhập tịch phải chứng minh được rằng họ có cha mẹ người Thái hoặc được sinh tại Thái Lan. Quá trình này khá phức tạp bởi chính quyền cũng phải cảnh giác với các biện pháp gian lận và đút lót để được cấp quyền công dân.
Các nhà hoạt động đánh giá việc nhập tịch quá khó khăn, đặc biệt với những người di cư sống ở nông thôn, học vấn thấp, không có hồ sơ lý lịch tại quê hương và những người không nằm trong diện xem xét của chính quyền. Công đoạn khó khăn nhất là kiểm tra giấy tờ và chống lại tình trạng "đi cửa sau".
Cuối năm 2016, chính quyền quân sự Thái Lan chấp thuận kế hoạch cho phép khoảng 80.000 người không quốc tịch được hưởng quyền công dân. Các ứng viên là người dân tộc thiểu số phải được sinh ra ở Thái Lan, đăng ký với Bộ Nội vụ và đã sống tại đây ít nhất 15 năm. Những người nước ngoài sinh tại Thái Lan đã tốt nghiệp đại học cũng được cấp quyền công dân.
Huấn luyện viên Nopparat cho biết ông đặc biệt quan tâm tới việc giúp đỡ các thiếu niên không quốc tịch được cứu khỏi hang Tham Luang.
"Ba cậu bé đều chơi bóng tốt và xác định rõ mục tiêu khi tập luyện", ông nói. "Tôi đã nghe tin tốt rằng họ sẽ được xem xét cấp quốc tịch. Những đứa trẻ đó không có quốc tịch, nhưng khi chúng rời bệnh viện và phục hồi, tôi có thể giúp chúng lo liệu giấy tờ và hoàn thành những thủ tục của chính quyền".
Nguồn gốc sức mạnh giúp đội bóng nhí Thái Lan sống sót khi mắc kẹt.
Ánh Ngọc