Trong chương trình Four Corners của Australia phát sóng tối 16/7, các thợ lặn tham gia giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang ở Thái Lan đã tiết lộ những chi tiết mới đáng kinh ngạc về chiến dịch, theo News.com.au.
"Khả năng thành công của chiến dịch giải cứu rất thấp. Tôi từng cho rằng chúng tôi phải chấp nhận có thương vong. Có thể ba, 4, hoặc 5 đứa trẻ sẽ thiệt mạng", thiếu tá Charles Hodges, người phụ trách nhóm quân nhân Mỹ tham gia cứu nạn, cho biết.
"Đó là một trong những việc khó khăn và nguy hiểm nhất tôi từng làm, không chỉ đối với sự an toàn của tôi, mà còn đối với những người tôi chịu trách nhiệm giải cứu. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất của chúng tôi, và chúng tôi đã thực hiện", thợ lặn người Anh Jason Mallinson kể lại.
Mallinson cùng các thợ lặn người Anh khác được giao nhiệm vụ đưa các thiếu niên mắc kẹt qua những điểm phức tạp và nguy hiểm nhất trong hang Tham Luang bằng cách lần theo dây dẫn đường để xác định phương hướng trong vùng nước tối tăm.
"Chúng tôi lặn xuống với những đứa trẻ. Tùy thuộc vào cách đặt dây, chúng tôi có thể giữ các cậu bé ở bên phải, bên trái, sau lưng hoặc phía trước", Mallinson cho biết, nói thêm rằng quá trình này gây "kiệt quệ về tinh thần", đặc biệt trong ngày cuối cùng, bởi nước đục đến mức hoàn toàn không nhìn thấy gì.
Thợ lặn chật vật luồn lách trong hang nơi đội bóng nhí mắc kẹt.
"Tôi phải giữ các cậu bé thật gần, nếu không đầu của chúng đập vào đá. Va đập mạnh sẽ khiến mặt nạ lặn rơi ra, gây nguy hiểm tới tính mạng của chúng. Đó là lý do chúng tôi phải hành động thật chậm và cẩn thận để các cậu bé không va vào đá", thợ lặn Anh cho biết.
Mallinson mô tả ông phải lấy thân mình che cho các cậu bé và để đầu mình va vào đá trước, bởi chỉ bằng cách đó mới tránh được va chạm cho các em khi lặn trong vùng nước có tầm nhìn bằng 0. Các thợ lặn trước đó đã tập luyện giải cứu tại một hồ bơi trong vùng với các trẻ em tình nguyện để đánh giá tính khả thi của phương án giải cứu.
Tại một số điểm, các thiếu niên được tháo mặt nạ lặn và đặt lên cáng. Ở những khu vực khác, các em lại được di chuyển bằng hệ thống ròng rọc lắp đặt trong hang bởi việc đi bộ qua bùn lầy quá nguy hiểm.
Các thiếu niên được đặt lên cáng khi đưa ra khỏi hang.
Trong hành trình dài gần 5 km, các thiếu niên được dùng thuốc an thần nhẹ để tránh hoảng sợ. Việc này nguy hiểm đến mức chính phủ Australia phải thỏa thuận với Thái Lan để xin lệnh miễn trừ truy cứu trách nhiệm cho các bác sĩ và thợ lặn nước này trong trường hợp có biến cố.
Các chuyên gia lặn hang động người Australia Richard Harris và Craig Challen được ca ngợi như những người hùng vì vai trò then chốt của họ trong chiến dịch giải cứu, đặc biệt là Harris bởi ông là người đánh giá tình trạng của nhóm thiếu niên trong 9 giai đoạn khác nhau của hành trình để đảm bảo các em có thể tiếp tục. "Không có ông ấy, chúng tôi không thể tiến hành giải cứu. Ông ấy nói chuyện với lũ trẻ, giữ bình tĩnh cho các em", Mallinson kể lại.
Thông tin trước đó cho biết bác sĩ Harris là người quyết định ai được ra trước, nhưng Challen nói rằng quyết định phụ thuộc vào các thiếu niên, huấn luyện viên và các đặc nhiệm SEAL Thái Lan ở cùng họ. "Harry không lựa chọn, nên tôi nghĩ các cậu bé dũng cảm nhất đã ra trước", ông nói.
Thiếu tá Hodges cho biết phải mất 4-5 tháng nếu đợi nước trong hang Tham Luang rút hết. Thậm chí khi mỗi người dùng khẩu phần ăn tối thiểu một bữa mỗi ngày, đội cứu hộ vẫn cần đưa tới 1.800 suất ăn vào hang, nên phương án này không khả thi. Dù có những cách khác được đề xuất như khoan vách núi hoặc đặt các cậu bé vào kén nilon với bình khí, lặn vẫn được cho là cách tốt nhất.
Đội cứu hộ đa quốc gia với tổng cộng hơn 10.000 người đã tiến hành ba chiến dịch giải cứu từ ngày 8/7 đến 10/7 và đưa toàn bộ 13 thành viên đội bóng Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 ra ngoài thành công. Hôm nay, các cậu bé và huấn luyện viên sẽ có buổi họp báo trước khi trở về với nhịp sống bình thường.
Ánh Ngọc