Trung Quốc đã triển khai một hệ thống giám sát chuyên thu thập thông tin về môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn, giúp hải quân nước này có thể theo dõi các tàu chính xác hơn, cải thiện định vị và định hướng, SCMP đưa tin hôm 31/12.
Đây là dự án do viện hải dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) dẫn đầu, nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thách thức Mỹ tại các đại dương trên thế giới.
Theo thông tin trên website viện hải dương học, hệ thống giám sát được xây dựng trên nền tảng các phao nổi, tàu mặt nước, vệ tinh và phương tiện dưới nước. Từ đó, hệ thống thu thập thông tin về Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rồi truyền về các trung tâm tình báo để phân tích.
"Chúng tôi đã bước một bước nhỏ trên hành trình dài", Yu Yongqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật lý khí quyển, CAS, thành viên nhóm chuyên gia phụ trách hệ thống giám sát dưới nước của Trung Quốc, nói.
Theo Yu, các chỉ huy trên tàu ngầm Mỹ nắm rõ hơn về nhiệt độ và độ mặn ở Biển Đông hơn Trung Quốc do Washington đã dành nhiều năm nghiên cứu khu vực.
Tàu ngầm dùng hệ thống sóng âm để định vị, nhận dạng và tấn công các tàu khác. Tuy nhiên, tốc độ và hướng đi sóng âm lại bị ảnh hưởng đáng kể bởi nhiệt độ và độ mặn vùng nước chúng đi qua. Nểu không nắm rõ các yếu tố này khi tính toán vị trí tàu địch, một chỉ huy tàu ngầm khó có thể tấn công.
Hệ thống giám sát còn giúp Trung Quốc bảo vệ sáng kiến "Vành đai và Con đường", kế hoạch giúp hơn 60 nước tăng trưởng kinh tế, của Trung Quốc. Sáng kiến bao gồm "Con đường Tơ lụa trên biển", trải dài từ bán đảo Triều Tiên tới vùng biển Đông Phi, qua những khu vực Bắc Kinh chưa có kinh nghiệm hoạt động.
Ngoài hệ thống giám sát, các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn phát triển một hệ thống dự báo dành cho tàu ngầm. Hệ thống dùng các thuật toán để dự báo thời tiết, ngay cả khi các cảm biến tàu ngầm chỉ thu được rất ít dữ liệu. Hệ thống phù hợp với những tàu ngầm cần hoạt động dài ngày dưới biển.
Như Tâm