Quan chức tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã phóng thử hai tên lửa đạn đạo DF-17 gắn phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó thử nghiệm ngày 1/11 đánh dấu sự xuất hiện của loại HGV đầu tiên trên thế giới có khả năng chiến đấu, theo SCMP.
Tên lửa siêu vượt âm thường có tốc độ trên 6.175 km/h, gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh, từng được Liên Xô và Mỹ phát triển từ lâu. Do ảnh hưởng từ lực hút Trái Đất, đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ đầu như R-7 Semyorka của Liên Xô và SM-65 Atlas của Mỹ có thể dễ dàng đạt tốc độ siêu vượt âm trong quá trình hồi quyển.
Tuy nhiên, sự ra đời của HGV có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược giữa các cường quốc. Trong nhiều năm, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đầu tư nguồn lực lớn để nghiên cứu phát triển HGV, khái niệm nhận được sự chú ý trong thời gian gần đây.
HGV đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn ICBM để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Ngoài ra, HGV cũng có khả năng cơ động phức tạp trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa không thể xác định chính xác quỹ đạo để đánh chặn.
Bắc Kinh được cho là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ HGV, ít nhất trong việc ứng dụng loại vũ khí này cho chiến trường thực tế. DF-17 là tổ hợp tên lửa đầu tiên sử dụng đầu đạn HGV và dự kiến được biên chế vào năm 2020, trong khi Nga và Mỹ vẫn chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm đánh giá tính khả thi.
Nếu loại vũ khí này được triển khai, cán cân sức mạnh trong khu vực nhiều khả năng sẽ nghiêng về Bắc Kinh. Tên lửa DF-17 có thể đe dọa hệ thống phòng thủ và cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Nhờ việc bay thấp hơn tên lửa đạn đạo, đầu đạn HGV của DF-17 đặt ra thách thức không nhỏ với lá chắn truyền thống như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) Mỹ và Aegis Ashore của Nhật.
Tuy nhiên, HGV không phải loại vũ khí hoàn hảo vô phương đánh chặn với Mỹ và Nga. Tốc độ nhỏ hơn ICBM khiến HGV dễ bị đánh chặn bởi các tổ hợp phòng không tương lai, nhất là khi một vụ phóng bị phát hiện từ trước. Washington đang theo đuổi nhiều chương trình lá chắn tên lửa đối phó với DF-17, nhằm duy trì thế cân bằng chiến lược.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể nhắc tới vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc trong báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR), đồng thời đưa ra một phản ứng rõ ràng. Washington và Moscow chưa có dấu hiệu muốn kiềm chế Bắc Kinh bằng các hiệp ước kiểm soát công nghệ HGV, tạo điều kiện để Trung Quốc dẫn đầu thế giới và gây nguy cơ chạy đua chế tạo vũ khí siêu vượt âm trong tương lai.
Tử Quỳnh