"Chúng tôi vừa tiếp nhận tiêm kích Su-35 của Nga và ra mắt dòng tiêm kích J-20 vào năm ngoái. Giờ đây chúng tôi có thể đưa những máy bay này vào thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu thật sự tại Biển Đông", Global Times ngày 9/2 dẫn tuyên bố của cố vấn cấp cao thuộc Hiệp hội giải trừ quân bị và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc Xu Guangyu.
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh vừa điều một số chiến đấu cơ Su-35 vừa mua từ Nga đến khu vực Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu hỗn hợp.
Ông Xu tuyên bố sự xuất hiện của tiêm kích tàng hình J-20 và chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35, những loại máy bay có khả năng tấn công tàu chiến, trên Biển Đông là nhằm đáp trả động thái "khiêu khích" của Mỹ tại khu vực.
Chuyên gia Harry J. Kazianis của National Interest thì cho rằng việc Trung Quốc triển khai các máy bay hiện đại nhất đến Biển Đông có thể là động thái nhằm kiểm soát vùng trời khu vực này, đặc biệt là khi Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại đây.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định J-20 sẽ không phát huy nhiều hiệu quả khi hoạt động trên Biển Đông do nó là mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không và không được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra biển.
Xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ.
Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này, bởi Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ. J-20 bị nghi là đang dùng động cơ Saturn AL-31F mua từ Nga, bởi động cơ nội địa WS-15 vẫn chưa được hoàn thiện.
Nguyễn Hoàng