Tính đến tháng 1/2018, Trung Quốc có 280 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí, nhiều hơn 10 đầu đạn so với năm 2017, SCMP ngày 18/6 dẫn báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Tuy nhiên, SIPRI cho biết các đầu đạn hạt nhân này không được lắp trên tên lửa hay bố trí tại các căn cứ trực chiến. Chúng được phân loại là "đầu đạn khác", có nghĩa là đang được cất trữ trong kho hoặc đã được loại biên.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân và đẩy mạnh phát triển các loại tên lửa đối đất, đối không và đối hải. Cả hai nước đều bổ sung 10 đầu đạn trong vòng một năm qua, nâng tổng số đầu đạn lên 140 với New Delhi và 150 với Islamabad.
Triều Tiên cũng được liệt vào danh sách quốc gia nâng cấp năng lực hạt nhân với vụ thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch vào tháng 9/2017, trong khi các quốc gia hạt nhân khác đã giảm hoặc giữ nguyên số đầu đạn hiện có.
Thống kê của SIPRI cho thấy 9 nước gồm Anh, Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga, Pháp, Pakistan, Triều Tiên, Trung Quốc có 14.456 đầu đạn hạt nhân, giảm 470 đầu đạn so với năm ngoái.
Mặc dù đã giới hạn đáng kể năng lực hạt nhân, Mỹ và Nga hiện vẫn sở hữu 92% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới và triển khai những dự án dài hạn nhằm hiện đại hóa hoặc thay chế chúng. "Việc các nước chú ý trở lại vào tầm quan trọng chiến lược của khả năng răn đe hạt nhân là xu thế đáng lo ngại", chủ tịch ban điều hành SIPR Jan Eliasson nhận định.
Trung Quốc là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới với 228 tỷ USD cho năm tài khóa 2017, tăng 5,6 % so với năm 2016. Bắc Kinh trong những năm gần đây mạnh tay đầu tư cho quốc phòng nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và răn đe.