Tàu khu trục Munmu the Great của hải quân Hàn Quốc hồi giữa tháng đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa. Seoul tuyên bố tàu chỉ tìm cách tránh cơn bão Mangkhut chứ không phải tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải hoặc thách thức chủ quyền của quốc gia nào, theo Business Insider.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Hàn Quốc vi phạm luật pháp của nước này khi xâm nhập trái phép vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
"Chúng tôi đã nêu vấn đề này với phía Hàn Quốc. Xét từ quan điểm nhân đạo, chúng tôi có thể chấp nhận lời giải thích của họ. Tuy nhiên tàu Hàn Quốc đã vi phạm pháp luật khi tiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không được sự cho phép của chính quyền Bắc Kinh", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói.
Sự cố diễn ra ra trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc gần đây liên tục đối mặt với các hoạt động gây sức ép của Mỹ và đồng minh tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông do những bất đồng của hai bên.
Không quân Mỹ trong tháng 8,9 nhiều lần điều oanh tạc cơ B-52 bay qua Biển Đông để gửi thông điệp răn đe tới hành động gây hấn của Trung Quốc. Đầu tháng này, một tàu chiến của hải quân Hoàng gia Anh cũng tiến sát quần đảo Hoàng Sa khiến Bắc Kinh phải phái một tàu khu trục và hai trực thăng để đối đầu.
Ngoài ra, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cũng tiến hành diễn tập với đội tàu chiến của Nhật Bản do tàu sân bay trực thăng Kaga dẫn đầu hồi cuối tháng 8. Giữa tháng 9, Nhật Bản lần đầu tiên điều tàu ngầm tấn công Kuroshio tập trân với tàu Kaga trên Biển Đông.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Bắc Kinh đã xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.