Ngày 29/7/1967, một sự cố cháy nổ lớn xảy ra trên tàu sân bay USS Forrestal của hải quân Mỹ khiến 134 người chết và 161 thủy thủ bị thương. Trong số những người suýt thiệt mạng trong thảm họa này có thiếu tá hải quân John McCain, người sau này trở thành thượng nghị sĩ, ứng viên tổng thống của Mỹ, theo Popular Mechanics.
Trước khi sự cố xảy ra, tổng cộng có 27 máy bay các loại được nạp đầy nhiên liệu và vũ khí được triển khai trên boong tàu sân bay Forrestal. 12 cường kích A-4E Skyhawk, 7 tiêm kích F-4B Phantom II và hai máy bay ném bom RA-5C Vigilante đậu kín phần đuôi tàu vào thời điểm đó.
Chiếc F-4B số hiệu 153061 của thiếu tá James E. Bangert đậu ở mạn phải đuôi tàu, được trang bị nhiều ống phóng LAU-10, mỗi ống chứa 4 quả rocket Mk-32 "Zuni" cỡ 127 mm. Các rocket được lắp chốt an toàn để tránh sự cố phóng ngoài ý muốn, những chốt này chỉ được tháo trước khi máy bay cất cánh.
Lúc 10h51, hiện tượng quá áp xuất hiện trên chiếc F-4B Phantom này khi phi công chuyển từ nguồn điện ngoài sang máy phát trong máy bay, khiến một quả Zuni trên cánh trái bị khai hỏa. Cuộc điều tra sau sự cố kết luận quả đạn này không có chốt an toàn, nhưng không xác định được nguyên nhân. Quả rocket Zuni bay 30 m qua sàn đáp, làm gãy tay một thủy thủ và bắn vỡ thùng dầu phụ 1.500 lít trên chiếc A-4E chuẩn bị cất cánh.
Báo cáo chính thức của hải quân Mỹ nhận định chiếc Skyhawk trúng đạn là máy bay số hiệu 405 của thiếu tá hải quân Fred D. White. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ John McCain sau này khẳng định quả Zuni đã bắn trúng chiếc A-4E của ông, khi đó đang đậu cạnh máy bay của White.
Cơ cấu bảo hiểm trong ngòi nổ của rocket Zuni ngăn nó phát nổ. Quả đạn vỡ vụn sau khi bắn trúng thùng dầu phụ của cường kích A-4E, khiến nhiên liệu JP-5 dễ cháy từ thùng dầu phụ tràn khắp sàn đáp bên dưới máy bay của White và McCain. Nó nhanh chóng bị bắt lửa từ các mảnh vụn cháy dở của rocket, tạo ra đám cháy lớn ở đuôi tàu Forrestal. Một mảnh kim loại cũng văng trúng thùng dầu dưới bụng cường kích A-4 số hiệu 310 đậu gần đó.
Ngọn lửa càng bùng lên nghiêm trọng hơn bởi gió lớn trên biển, cũng như luồng khí xả từ ít nhất ba phi cơ đậu phía trước. Lệnh báo động toàn tàu được phát ra lúc 10h53.
"Phần đuôi tàu biến thành hỏa ngục trong chớp mắt, khi từng thùng dầu phụ phát nổ trong đám cháy khủng khiếp. Nhiều phi công tìm cách nhảy khỏi máy bay và ngã xuống biển lửa. Thủy thủ lao tới giúp họ cũng bị ngọn lửa nuốt chửng và biến mất. Những người kẹt giữa đám cháy và viền boong tàu đều phải nhảy xuống biển. Nhiều mảnh thi thể cháy xém cũng văng khắp nơi", McCain viết trong cuốn sách phát hành năm 1999.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Nằm trên boong tàu và bị làn khói mù mịt che khuất là hai quả bom bị tuột khỏi cánh một chiếc Skyhawk, mỗi quả chứa hơn 200 kg thuốc nổ mạnh.
Hai nhóm cứu hỏa chủ lực, dày dạn kinh nghiệm nhất trên tàu được triển khai để dập lửa. "Tôi theo dõi họ từ trên tháp chỉ huy, họ đều gặp vấn đề với thiết bị chữa cháy. Ngọn lửa đã cắt đứt nguồn nước phía đuôi tàu, trong khi các máy bơm ở giữa tàu lại trục trặc. Nhóm cứu hỏa phải kéo vòi từ các trụ nước ở phía đầu tàu", một sĩ quan trên tàu Forrestal nhớ lại.
Nhiều giây trôi qua mà ngọn lửa không được khống chế, khiến hai quả bom ngày càng nóng. Khi lính cứu hỏa kéo được vòi phun tới vị trí đám cháy, mọi thứ đã trở nên quá muộn. Hai tiếng nổ lớn vang lên cùng với quầng lửa khổng lồ, khiến con tàu có lượng giãn nước 78.000 tấn rung lắc dữ dội.
Lúc đám cháy bùng lên, McCain đang ở trên buồng lái chiếc cường kích A-4E đậu ngay cạnh đó. Ông may mắn kịp thời thoát khỏi buồng lái và chạy đến chỗ an toàn trước khi thảm họa tồi tệ nhất xảy ra.
"Trong lúc trèo ra máy bay và chạy khỏi đám cháy, tôi nhìn thấy nhiều thủy thủ mang vòi cứu hỏa và bình xịt tới dập lửa. Vài tích tắc sau, quả bom đầu tiên phát nổ và những người lính đó đều tử nạn", McCain nhớ lại khoảnh khắc mình suýt mất mạng trong vụ nổ.
Toàn bộ lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp của tàu USS Forrestal thiệt mạng ngay sau tiếng nổ đầu tiên, nơi họ đứng trước đó chỉ còn là một hố lớn trên boong tàu. Hai quả bom bị kích nổ bởi nhiệt lượng quá lớn, xé rách sàn đáp bằng thép dày hơn 5 cm và tạo lỗ thủng thẳng xuống khoang tàu. Lượng lớn nhiên liệu JP-5 đang cháy đã chảy theo đường này vào sâu trong thân, khiến nhiều người bị mắc kẹt và thiệt mạng. Trong tàu có nhiều lối thoát hiểm, nhưng các thủy thủ đều không biết đến chúng hoặc quên hoàn toàn trong cơn hoảng loạn.
Phải tới 10h59, 8 phút sau khi quả rocket Zuni vô tình khai hỏa, mệnh lệnh ZEBRA huy động toàn bộ thủy thủ đoàn làm nhiệm vụ cứu tàu mới được ban bố. Các cửa ngăn bằng thép trong khoang tàu khi đó mới bắt đầu đóng lại, trong khi đây đáng lẽ là hành động phải được áp dụng ngay từ đầu.
Cuộc chiến với ngọn lửa vẫn tiếp diễn trên khu vực sàn đáp. Việc lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp bị xóa sổ khiến các thủy thủ thiếu kinh nghiệm phải tham gia dập đám cháy. Họ mắc phải hàng loạt sai lầm khiến sự cố ngày càng nghiêm trọng.
Trong vòng nhiều phút, các nỗ lực cứu hỏa diễn ra mà không có sự điều phối, khiến ngọn lửa tiếp tục lan ra những quả bom và tên lửa đang nằm la liệt trên boong tàu. Tổng cộng 9 vụ nổ lớn đã xảy ra, tạo ra hàng loạt lỗ lớn và cho phép nhiên liệu JP-5 tiếp tục tràn xuống bên dưới.
Hai nhóm thủy thủ chữa cháy được thành lập vội vàng và làm việc song song, nhưng lại vô tình vô hiệu hóa công việc của đội còn lại. Nhóm đầu tiên phun bọt protein, loại hóa chất chuyên dùng để dập đám cháy xăng dầu, trong khi đội thứ hai lại phun nước và rửa trôi toàn bộ số bọt này. Ngọn lửa tiếp tục hoành hành dữ dội, gây nguy cơ cháy lan tới khoang chứa đạn dược và kích nổ toàn bộ USS Forrestal.
Tuy nhiên, kho đạn được bơm đầy nước kịp thời, ngăn khả năng này xảy ra. Các tàu khác trong nhóm tác chiến cũng nhanh chóng tới hỗ trợ Forrestal, nhưng không thể làm gì ngoài việc tìm kiếm người sống sót trên biển. Chỉ có một số thủy thủ được vớt lên, trong khi phần lớn đều mất tích và không bao giờ được tìm thấy.
Các vấn đề trong công tác cứu hỏa được phát hiện và khắc phục ngay sau đó. Tàu di chuyển ngược gió để ngọn lửa không lan ra phía trước, tốc độ được giảm từ 50 xuống còn 27 km/h để tránh làm đám cháy bùng phát mạnh hơn. Sau 10 tiếng, các thủy thủ bắt đầu kiểm soát được ngọn lửa lớn nhất, nhưng nhiều đám cháy nhỏ vẫn xuất hiện trong thân tàu suốt nhiều ngày.
"Tôi mất hết khái niệm về thời gian, nhưng tôi biết rằng mình vẫn đang dập lửa khi tàu cập cảng Subic ở Philippines", thượng sĩ Gerard G. Johnson, cựu thủy thủ trên tàu Forrestal, cho biết.
Sự cố ngày 29/7/1967 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với hải quân Mỹ, với 134 sĩ quan, thủy thủ thiệt mạng, 161 người bị thương, 63 trong tổng số 81 máy bay trên tàu bị phá hủy hoặc hư hại nặng chỉ trong vài phút. Tàu Forrestal cũng hỏng nặng với ước tính thiệt hại khoảng 72 triệu USD, tương đương 543 triệu USD ngày nay và phải nằm cảng sửa chữa trong 8 tháng.
Bản thân thiếu tá McCain cũng bị thương vì trúng mảnh văng vào chân và ngực. Sau sự cố, ông tình nguyện sang phục vụ trên tàu sân bay USS Oriskany cho tới khi bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội ngày 26/10/1967.