Trung Quốc diễn tập bắn thử tên lửa phòng không HQ-9. Video: Sina.
CNBC hôm 2/5 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa diệt hạm YJ-12B và tổ hợp phòng không HQ-9B trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định động thái này có thể khiến hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn, theo Radio Australia.
"Những vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công tàu và máy bay trên khu vực Biển Đông, nếu được phóng từ các đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trái phép", ông Rory Medcalf, chuyên gia an ninh tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định.
Giới phân tích cho rằng động thái mới này của Bắc Kinh là mối đe dọa hiện hữu với các tàu chiến và máy bay quân sự Washington hoạt động trên vùng biển này. Mỹ liên tục duy trì hiện diện quân sự ở Biển Đông trong hàng chục năm để đối phó tham vọng của Trung Quốc ở tuyến hàng hải quốc tế có tầm quan trọng chiến lược này. Tuy nhiên, Washington có nguy cơ ngày càng khó kiểm soát tình hình khi Bắc Kinh tiếp tục triển khai tên lửa và khí tài quân sự ra Biển Đông.
YJ-12 là tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay như oanh tạc cơ H-6, cường kích JH-7B, tiêm kích J-10, J-11 và J-16. Biến thể YJ-12B có tầm bắn tối đa 545 km và tốc độ 4.940 km/h. Việc quả đạn giảm độ cao xuống còn 15 m trong pha cuối tiếp cận mục tiêu khiến tàu chiến đối phương chỉ có khoảng 45 giây để phát hiện và đánh chặn.
YJ-12 được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Nếu được trang bị cho tiêm kích J-11, Trung Quốc có thể tiến công hàng không mẫu hạm Mỹ cách nơi xuất phát tới hơn 1.900 km, vượt hơn cả tầm bắn của tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D.
Đô đốc Philip S. Davidson, người được đề cử làm tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, hồi tháng trước thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản, trừ việc khơi mào chiến tranh với Washington.
"Vấn đề lớn nhất là Trung Quốc có thể triển khai nhiều tên lửa hơn khả năng phòng thủ trên tàu chiến Mỹ tuần tra tại Biển Đông. Điều này giúp Bắc Kinh giành chiến thắng trong xung đột quân sự chớp nhoáng với Washington", ông Harry Kazianis, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI), đánh giá.
Mỹ thường xuyên tiến hành hoạt động FONOP ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do di chuyển trong khu vực theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn coi đây là hành vi gây hấn quân sự và yêu cầu tàu hải quân Mỹ rời đi.
Tiến sĩ Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Lowy, cho rằng các động thái mới nhất của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ buộc Mỹ và đồng minh phải cân nhắc trước khi điều chiến hạm đến Biển Đông.
"Điểm mấu chốt ở đây là Mỹ vẫn có thể hoạt động trong khu vực, nhưng sẽ phải điều chỉnh các quy trình khi áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa. Với các đồng minh nhỏ, mới tham gia hoạt động ở Biển Đông gần đây như Australia, Pháp và Anh, mối đe dọa này sẽ tăng lên một cấp độ mới, buộc các chính trị gia cân nhắc trước khi triển khai lực lượng thực hiện quyền tự do hàng hải", ông Graham nhận định.
Ngoài việc gây ra áp lực tâm lý với hoạt động tự do hàng hải, Trung Quốc cũng có thể đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự để định hình và ra điều kiện, buộc các nước khác ở gần khu vực phải tuân thủ, chuyên gia Graham cảnh báo.
Duy Sơn