Không quân Mỹ đang bí mật lên kế hoạch thay thế phi đội F-15 C/D bằng tiêm kích hoàn toàn mới có định danh F-15X "Super Eagle" (Siêu Đại bàng). Động thái này có thể bù đắp thiếu hụt về số lượng tiêm kích tàng hình F-22, hạn chế ảnh hưởng từ các vấn đề trên dòng F-35, cũng như cắt giảm chi phí vận hành đắt đỏ của hai loại chiến đấu cơ thế hệ 5 đắt tiền, theo Task and Purpose.
Mỹ đã ngừng sản xuất tiêm kích thế hệ 4 như F-15 từ năm 2001, nhằm tập trung vào việc phát triển và chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5. Việc nâng cấp và duy trì các nền tảng tiêm kích cũ đang bị đặt dấu hỏi khi không quân Mỹ chỉ tập trung cho chương trình F-35, trong khi ngân sách cho lĩnh vực này bị thắt chặt.
Chuyên gia quân sự Tyler Rogoway đánh giá mẫu F-15X sẽ dễ dàng thích nghi với chiến lược kết hợp tiêm kích thế hệ 5 và thế hệ 4, nhằm giải quyết vấn đề cấu trúc lực lượng đang bị suy giảm của không quân Mỹ.
F-22 được đánh giá là tiêm kích tốt nhất Mỹ từng chế tạo, sở hữu nhiều công nghệ tối tân và tính năng tàng hình trước radar. Tuy nhiên, dự án này bị chấm dứt khi mới chỉ có 187 máy bay được xuất xưởng, chưa đáp ứng được nửa kế hoạch ban đầu là 381 chiếc.
Trong khi đó, dù tiêu tốn gần 1.500 tỷ USD phát triển, F-35 vẫn chưa thể trở thành mẫu tiêm kích đa nhiệm hoàn hảo để thay thế các chiến đấu cơ đời cũ trong biên chế không quân Mỹ. Việc chú trọng vào tính năng tàng hình và nhiệm vụ đối đất khiến F-35 thua kém F-15 ở khả năng không chiến tầm gần. Nếu mang đầy đủ 16 tên lửa đối không trên các giá treo vũ khí ngoài thân, F-35 sẽ mất ưu thế tàng hình và dễ dàng bị đối phương phát hiện.
F-15X là giải pháp giúp Mỹ tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời không gặp trở ngại như việc mua sắm tiêm kích tàng hình F-35. Đây được coi là sự bổ sung lực lượng cho không quân Mỹ, không phải là mẫu máy bay thay thế hoàn toàn dòng F-35.
Mỗi chiếc F-15X dự kiến mang được tối đa 22 tên lửa đối không, so với 8 quả trên những chiếc F-15 C/D hiện nay. Để thực hiện các chiến dịch hỗn hợp, F-15X có thể được trang bị 8 tên lửa đối không để tấn công máy bay đối phương, cùng 28 bom đường kính nhỏ GBU-39 hoặc 7 quả bom GBU-31 JDAM để không kích mục tiêu mặt đất. Năng lực này vượt xa khả năng mang vũ khí của những chiếc F-15C/D, cũng như phi đội F-22 và F-35 hiện nay.
F-15X có thể trở thành át chủ bài trong các tình huống giao chiến ngoài tầm nhìn (BVR), đặc biệt khi hình thức chiến đấu này giữ vai trò chủ đạo trong các cuộc xung đột ở châu Á - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/D2) của Trung Quốc.
Nhà sản xuất Boeing tiết lộ F-15X sẽ được hiện đại hóa toàn diện với buồng lái trang bị màn hình đa chức năng (MFD) thay thế cho đồng hồ cơ khí trên F-15C/D. Bên cạnh đó là hệ thống chỉ thị mục tiêu gắn trên mũ phi công, radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) APG-82, hệ thống phòng vệ điện tử (EPAWSS) và cụm cảm biến chỉ thị mục tiêu Legion.
Chi phí chế tạo F-15X được cho là khá rẻ so với mức giá 95 triệu USD của một chiếc F-35A. Mỗi giờ bay của Siêu Đại bàng chỉ tốn khoảng 27.000 USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 45.000 USD của F-35. Boeing tuyên bố F-15X có tuổi thọ tới 20.000 giờ bay, cao hơn nhiều so với 5.000 giờ của dòng F-15C/D, cho phép biên chế mẫu Super Eagle trong hàng chục năm.
"Trong trường hợp Mỹ nổ ra xung đột với Trung Quốc và Nga ở Thái Bình Dương, F-15X sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35", chuyên gia quân sự Brad Howard nhận định.
Duy Sơn