Các cuộc đổ bộ đường không quy mô lớn của lính dù và tàu lượn đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của phe Đồng minh trong trận đánh Normandy ngày 6/6/1944. Tuy nhiên, để có được thành công này, quân Đồng minh đã phải trả giá đắt trong chiến dịch chiếm đảo Sicily, Italy trước đó một năm, nơi binh sĩ Anh và Mỹ trải qua những thời khắc kinh hoàng khi bắn nhầm nhau, theo War History.
Chiến dịch bắt đầu đêm 9/6/1943 với việc lính dù và bộ binh sử dụng tàu lượn đổ bộ xuống đảo, trước khi mũi tấn công trên biển được triển khai vào sáng hôm sau. Theo kế hoạch, Quân đoàn 7 lục quân Mỹ do tướng George S. Patton chỉ huy sẽ đổ bộ xuống bờ biển phía nam, trong khi Quân đoàn 8 của Canada và Anh dưới quyền tướng Bernard Montgomery sẽ tập kích vào bờ biển đông nam đảo Sicily.
Hơn 2.000 lính Anh xuất kích trên 144 tàu lượn quân sự do oanh tạc cơ Anh và Mỹ kéo vào chiến trường. Trong quá trình tiếp cận mục tiêu, các oanh tạc cơ này vấp phải thời tiết xấu và hỏa lực phòng không đối phương, buộc chúng phải bay lên cao để tránh.
Từ đây, sự hỗn loạn bắt đầu xuất hiện. Đội hình oanh tạc cơ Anh - Mỹ không hiểu ý nhau, khiến 65 tàu lượn bị tách khỏi máy bay quá sớm và đâm xuống biển làm 252 lính Anh thiệt mạng. Trong khi phần lớn lính sử dụng tàu lượn đưa đưa trở về căn cứ ở Bắc Phi, 71 tàu lượn tới Sicily an toàn, nhưng chỉ có 12 chiếc đáp xuống gần mục tiêu.
Khi nhóm tàu lượn trở về căn cứ, các chỉ huy buộc phải tách binh sĩ Anh và Mỹ tới các khu vực khác nhau, đề phòng xảy ra xung đột do sự cố này. Tuy nhiên, đây chưa phải sự cố nghiêm trọng nhất trong chiến dịch chiếm Sicily.
Trong hai ngày 10 và 11/6, quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển và hội quân với lực lượng lính dù đã đáp xuống đây từ đêm trước. Đến đêm 11/6, lực lượng thuộc Trung đoàn bộ binh dù số 504 của tướng Matthew B. Ridgeway đổ bộ theo kế hoạch.
Từ Tunisia, 144 vận tải cơ C-47 và C-53 mang theo khoảng 2.000 lính dù Mỹ hướng tới bờ biển phía nam Sicily. Không quân Mỹ cho biết họ đã báo tin cho hải quân về chiến dịch đổ bộ đường không này, nhưng pháo phòng không trên bờ biển và tàu chiến Mỹ gần Sicily vẫn khai hỏa vào phi đội vận tải cơ chở lính dù vì tưởng đó là quân Đức.
"Chỉ khi phát hiện các mảnh vỡ rơi xuống, chúng tôi mới biết rằng mình vừa tàn sát đồng đội", xạ thủ phòng không Herbert Blair cho biết. Nhiều máy bay Mỹ trúng đạn và nổ tung ngay trên trời. Hơn 300 lính thiệt mạng trong sự cố, trong khi một chiếc vận tải cơ may mắn quay về được với hơn 1.000 vết đạn trên thân.
Sau vụ việc, nhiều chỉ huy tàu chiến cho biết họ không nhận được thông tin về chiến dịch đổ bộ. Bên cạnh đó, các nhóm tàu liên tục bị máy bay Đức tấn công, khiến họ đề cao cảnh giác trước mọi dấu hiệu của phi cơ đối phương.
Trong cuộc đổ bộ đường không ngày 11 và 12/6, 1.856 lính Anh triển khai trên 100 máy bay hướng đến bờ biển đông nam Sicily. Trong đó, 33 chiếc bị chệch hướng và bay qua đầu một biên đội tàu hộ tống phe Đồng minh. Thủy thủ trên tàu tưởng đó là một trận tập kích của Đức nên đã khai hỏa, làm 4 máy bay trúng đạn lao xuống biển.
Các phi cơ thoát được vụ bắn nhầm, cùng với những chiếc bay đúng hướng, sau đó vấp phải hỏa lực phòng không của đối phương ở Sicily, khiến 37 chiếc bị bắn hạ. Tổng cộng chỉ có 39 máy bay triển khai được quân trong bán kính 800 m quanh khu vực mục tiêu.
Sau khi chiếm được đảo Sicily, lực lượng Anh và Mỹ phải thay đổi chương trình huấn luyện theo hướng khắc nghiệt hơn. Thủy thủ tàu chiến được học cách nhận biết máy bay đồng minh, trong khi các phi cơ được sơn ba vạch trắng lớn dưới cánh để đánh dấu.
Duy Sơn