Tàu Đô đốc Kuznetsov hoạt động ngoài khơi Syria. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu cải cách quân đội và tăng chi tiêu quốc phòng vào năm 2008, quân đội Nga đã lột xác hoàn toàn và sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga vẫn chưa đủ khả năng duy trì hoạt động quân sự quy mô lớn xa lãnh thổ trong thời gian dài, được thể hiện qua chiến dịch quân sự tại Syria hiện nay, theo USNI.
"Hoạt động hậu cần của Nga ở Syria đã bị đẩy đến mức giới hạn", Anton Lavrov, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, nhận định. Những vấn đề hậu cần trong việc duy trì 5.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài không quân tại Syria phản ánh một trong những hạn chế lớn trong nỗ lực hồi sinh quân đội Nga.
"Moskva không đủ khả năng đảm bảo hậu cần cho 20.000 binh sĩ trong các hoạt động tác chiến liên tục ở xa lãnh thổ. Thậm chí việc triển khai lực lượng tới các khu vực này cũng là thách thức", Lavrov khẳng định.
Kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Nga phải mua một số tàu hàng cũ ở Crimea và hoán cải chúng thành các tàu vận tải để phục vụ công tác di chuyển lực lượng quy mô lớn tới Syria. Moskva chưa tập trung đầu tư vào các tàu đổ bộ thế hệ mới trong chương trình hiện đại hóa quân đội hiện nay.
Hiệu quả từ các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria cho thấy hải quân Nga đang được hiện đại hóa đáng kể. Tuy nhiên, lực lượng Nga lại thể hiện sự yếu kém trong quá trình triển khai tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tới Địa Trung Hải, khi con tàu gặp quá nhiều vấn đề kỹ thuật và buộc phải quay về Nga sau thời gian ngắn.
Đây là lý do khiến chuyên gia Lavrov nhận định hải quân biển xanh của Nga có quy mô nhỏ hơn so với 10 năm trước, vấn đề này sẽ khó được cải thiện trong trung và dài hạn.
Các nhà máy đóng tàu của Nga chủ yếu vẫn hoạt động theo mô hình thời Liên Xô, đang phải vật lộn để hoàn thành các dự án đại tu hạm đội tàu mặt nước hiện nay. Điều này khiến việc đóng tàu chiến hiện đại bị ảnh hưởng đáng kể.
Ngân sách ngày càng eo hẹp cũng khiến Nga phải hủy nhiều chương trình chế tạo tàu khu trục và tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân, loại chiến hạm từng hứa hẹn giúp Moskva trở lại vai trò cường quốc hải quân toàn cầu.
Dù khó đủ sức triển khai lực lượng tới những nơi xa xôi, Nga sẽ không từ bỏ căn cứ hải quân Tartus ở Syria, theo Lavrov. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc thể hiện sự hiện diện thường xuyên ở Trung Đông, khu vực Nga muốn duy trì ảnh hưởng.
Syria cũng là nơi duy nhất giúp Nga có cơ hội đánh giá các chiến thuật và trang bị hiện đại trong biên chế Mỹ và đồng minh. "Nga có thể học hỏi nhiều điều về kinh nghiệm và năng lực tác chiến của phương Tây ở chiến trường này", chuyên gia Lavrov nhận định.
Duy Sơn