Hải quân Philippines hồi cuối tuần trước tổ chức lễ hạ cờ, loại tàu hộ vệ BRP Rajah Humabon (PS-11) khỏi biên chế. Được Mỹ chế tạo từ năm 1943, đây là chiến hạm cổ nhất trong biên chế Philippines cũng như toàn bộ các lực lượng hải quân trên thế giới, Livejournal đưa tin.
Tàu Rajah Humabon ban đầu mang tên USS Atherton (DE-169), một trong 72 tàu khu trục hộ tống lớp Cannon được Mỹ chế tạo trong Thế chiến II. Quá trình đóng tàu chỉ kéo dài trong 8 tháng, USS Atherton được bàn giao cho hải quân Mỹ ngày 29/8/1943. Con tàu bắt đầu tuần tra, hộ tống các đoàn tàu vận tải xuyên Đại Tây Dương từ tháng 1/1944.
USS Atherton từng đóng vai trò chủ chốt trong việc đánh chìm tàu ngầm U-853 của phát xít Đức vào ngày 6/5/1945, khi chỉ cách bờ biển Mỹ khoảng 11 km. Tàu tham gia chiến dịch chống Nhật của Mỹ trên Thái Bình Dương, trước khi đưa vào niêm cất hồi tháng 12/1945.
10 năm sau, tàu được khôi phục hoạt động và chuyển giao cho Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản với tên gọi JDS Hatsuhi (DE-263). Hộ vệ hạm này phục vụ trong 20 năm, trước khi bàn giao trở lại cho hải quân Mỹ vào tháng 6/1975. Sau đó, nó được bán cho Philippines với giá tượng trưng vào ngày 23/12/1978. Sau quá trình đại tu, tàu bắt đầu phục vụ trong biên chế hải quân Philippines với định danh là "tàu hộ vệ tuần tra".
BRP Rajah Humabon trở thành kỳ hạm của hải quân Philippines từ năm 1995, đại diện cho lực lượng này trong các hoạt động giao lưu hải quân với nước ngoài. Vị trí kỳ hạm được thay thế khi Washington bàn giao tàu tuần tra BRP Gregorio Del Pilar cho Manila hồi năm 2011.
Dù trải qua nhiều lần sửa chữa, BRP Rajah Humabon không được hiện đại hóa, khiến hải quân Philippines phải dựa vào hệ thống hỏa lực từ thời Thế chiến II, gồm ba pháo Mk 22 cỡ nòng 76,2 mm, 6 pháo Bofors Mk 1 cỡ 40 mm, 6 pháo Oerlikon Mk 10 cỡ 20 mm và 4 súng máy M2 cỡ 12,7 mm. Vũ khí chống ngầm đều bị tháo dỡ trong đợt đại tu hồi năm 1995.
Hải quân Philippines cho biết con tàu sẽ được tháo dỡ hết trang thiết bị và hoán cải thành tàu bảo tàng.
Tử Quỳnh