"Nga có thể trở thành nhà cung cấp tàu ngầm cho hải quân Philippines. Hai nước đang soạn thảo biên bản ghi nhớ, trong đó Moskva sẽ nghiên cứu các yêu cầu về lực lượng tàu ngầm của Manila. Một số quan chức Philippines đã được mời đến thăm nhà máy đóng tàu ngầm tại Nga", hãng thông tấn Philippines PNA dẫn lời người phát ngôn hải quân Jonathan Zata cho biết hồi đầu tuần.
Manila dường như đang nhắm tới các tàu ngầm tấn công diesel-điện Đề án 636 "Varshavyanka", còn gọi là lớp Kilo. Việc ký biên bản ghi nhớ sẽ là bước tiếp theo trong quá trình hình thành lực lượng tàu ngầm của Philippines. Hồi cuối tháng 7, nước này xác nhận đang tìm đối tác cung cấp tàu ngầm và nghiên cứu học thuyết tác chiến dưới mặt biển.
Tàu ngầm Kilo được gọi là "hố đen đại dương" bởi khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo của nó. Động cơ của tàu được đặt cách ly trên bệ đỡ cao su và không chạm vào thân tàu, làm giảm rung động và triệt tiêu tiếng ồn. Vỏ ngoài tàu ngầm được bọc kín bằng lớp cao su đặc biệt, có khả năng cách âm từ bên trong và hấp thụ sóng âm từ bên ngoài. Lớp vỏ cao su này giảm khả năng phát hiện mục tiêu từ sonar chủ động và thụ động của đối phương.
Sau Thế chiến II, hải quân Philippines được xếp vào diện mạnh nhất châu Á. Tuy nhiên, lực lượng này đã suy yếu rõ rệt trong 60 năm qua, do các đời chính quyền chỉ tập trung vào các thách thức an ninh trong nước, dồn trách nhiệm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài cho đồng minh Mỹ.
Năm 2006, hải quân Philippines bắt đầu theo đuổi kế hoạch để trở thành một lực lượng "mạnh và có uy lực" trước năm 2020, thông qua việc hiện đại hóa trang thiết bị và tăng cường huấn luyện binh sĩ. Hải quân Philippines dự kiến thực hiện kế hoạch mua tàu ngầm trong giai đoạn 2023-2027, nhưng Manila muốn đẩy nhanh tiến độ lên trước năm 2022.
Bên cạnh tham vọng sở hữu lực lượng tàu ngầm hiện đại, Philippines tỏ ý muốn mua tên lửa diệt hạm siêu thanh Brahmos của Ấn Độ. Hải quân nước này hiện chỉ có các tàu pháo làm nhiệm vụ tuần tra và chống cướp biển, không có tàu chiến mang tên lửa chống hạm.
Lã Linh