"Tên lửa Kinzhal sẽ được thử nghiệm trên oanh tạc cơ Tu-22M3M. Mỗi chiếc có thể mang tới 4 quả đạn loại này", Sputnik dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga hôm qua cho biết.
Tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kh-47M2 "Kinzhal" là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong thông điệp liên bang hôm 1/3, được đánh giá có khả năng răn đe cao và đủ sức đánh bại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Hiện không quân Nga mới chỉ biên chế một số lượng nhỏ Kinzhal cho biến thể tiêm kích MiG-31K, trong đó mỗi tiêm kích chỉ mang được một tên lửa gắn dưới bụng.
Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky nhận định các oanh tạc cơ Tu-22M3M sẽ cần được nâng cấp đáng kể để vận hành loại tên lửa uy lực này. "Hệ thống điện tử phải được hiện đại hóa, cùng với đó là gia cố giá treo vũ khí và khung thân để lắp tên lửa", chuyên gia Murakhovsky tuyên bố.
Giới phân tích cho rằng việc mang 4 tên lửa Kinzhal sẽ giúp oanh tạc cơ Tu-22M3M đối phó hiệu quả hơn với các mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đa tầng hiện đại. Nó cũng giúp Bộ Quốc phòng Nga tiết kiệm chi phí bằng cách tận dụng dòng máy bay cũ, thay vì phát triển và sản xuất những phi cơ mới để mang tên lửa Kinzhal.
Kinzhal ứng dụng đường bay như tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp với khả năng cơ động mạnh để tránh lá chắn tên lửa đối phương. Tầm bắn tối đa tới 2.000 km và tốc độ khoảng 12.000 km/h giúp phi cơ mang phóng không phải bay vào lưới phòng không quanh mục tiêu, bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay.
Biến thể Tu-22M3 đi vào hoạt động vào năm 1983, phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3M dự kiến biên chế từ năm nay. Chức năng chủ yếu của Tu-22M3 là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay Mỹ. Sự xuất hiện của Tu-22M3 khiến hải quân Mỹ cảm thấy bất an, do chúng được thiết kế để mang theo những tên lửa diệt hạm tầm xa với kích thước lớn, trong khi Washington không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng kỹ chiến thuật tương đương.
Vũ khí chính của Tu-22M3 của ba tên lửa diệt hạm hạng nặng Kh-22 với tầm bắn 600 km hoặc 10 tên lửa đạn đạo chống hạm Kh-15 có khả năng đánh trúng mục tiêu từ cách 300 km. Nếu thử nghiệm thành công, tên lửa Kinzhal sẽ thay thế cả hai vũ khí này trong nhiệm vụ đối phó chiến hạm đối phương.