Chiếc B-58 trong quá trình thử nghiệm
Ngày 11/11/1956, oanh tạc cơ siêu thanh B-58 Hustler thực hiện chuyến bay thử đầu tiên. Dòng máy bay này được thiết kế cho nhiệm vụ thọc sâu với tốc độ cao và ném bom hạt nhân vào lãnh thổ Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, giá thành quá cao và sự xuất hiện của những vũ khí phòng không tối tân khi đó khiến B-58 bị loại biên khi chưa kịp thực hiện nhiệm vụ nào, theo War is Boring.
Chiếc Hustler có kích thước tương đối nhỏ đối với một oanh tạc cơ chiến lược, dài 29,5 m, sải cánh 17,3 m và cao 9 m. Trong khi đó, máy bay B-52 có chiều dài 48,5 m và sải cảnh rộng tới 56,4 m.
Điểm mạnh nhất của B-58 nằm ở tốc độ, thay vì tải trọng hay tầm bay như oanh tạc cơ chiến lược thông thường. Nó ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của không quân Mỹ về một loại máy bay mang được một quả bom B53 mạnh tương đương 9 triệu tấn thuốc nổ TNT hoặc 4 quả B43/B61 với sức nổ tối đa tương đương một triệu tấn TNT.
Loại oanh tạc cơ này cũng cần tốc độ, trần bay lớn để xâm nhập không phận Liên Xô và Trung Quốc, gây khó khăn cho tiêm kích đánh chặn và tên lửa phòng không đối phương. Phân tích năm 1964 của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết Trung Quốc chỉ có tiêm kích MiG-21 đủ sức đánh chặn B-58 với tỷ lệ thành công rất thấp.
Convair B-58 Hustler sử dụng thiết kế cánh tam giác giống những tiêm kích đương thời, giúp nó giảm lực cản và đạt tốc độ tới 2.470 km/h, gấp hai lần tốc độ âm thanh và vượt xa các oanh tạc cơ chiến lược như B-47 và B-52. Bên cạnh đó, trần bay 19,3 km của B-58 cũng cao hơn nhiều so với hai loại máy bay còn lại.
Để đạt thông số này, Hustler được trang bị 4 động cơ phản lực J79-GE-5A với tổng sức đẩy tới gần 30.000 kgf trong chế độ tăng lực. Cánh tam giác cũng giúp tăng tốc độ, nhưng các kỹ sư Mỹ phải thiết kế lại phần thân máy bay để giảm bớt lực cản trong quá trình bay siêu thanh.

Một chiếc B-58 cùng tổ lái ba người và các loại bom hạt nhân có thể mang theo. Ảnh: Wikipedia.
Việc bay siêu thanh sinh ra lượng nhiệt rất lớn do ma sát với không khí. Để hạn chế hư hại do nhiệt, vỏ chiếc B-58 ứng dụng cấu trúc hình tổ ong làm từ sợi thủy tinh kẹp giữa các tấm nhôm và thép, tất cả được gắn với với nhau bằng keo thay cho đinh ốc thông thường. Phương pháp này về sau được triển khai trên nhiều loại máy bay chở khách.
Tuy nhiên, kích thước nhỏ gọn của B-58 tạo ra một trong những điểm yếu lớn nhất, hạn chế khả năng xâm nhập không phận Liên Xô. Nó không thể mang được nhiều nhiên liệu, khiến bán kính chiến đấu tối đa chỉ khoảng 3.220 km. Điều này buộc không quân Mỹ triển khai các phi đội Hustler tại châu Âu, hoặc sử dụng số lượng rất lớn máy bay tiếp dầu nếu muốn các oanh tạc cơ B-58 xuất phát từ Mỹ.
Tướng Curtis LeMay, tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC), tỏ ra căm ghét mẫu B-58 và không muốn đưa nó vào biên chế lực lượng này. Ông cho rằng tầm bay là vấn đề tối quan trọng với oanh tạc cơ chiến lược, chừng nào Liên Xô vẫn còn là đối thủ của Mỹ.
Bản thân chiếc Hustler cũng rất đắt đỏ và có thiết kế phức tạp, đòi hỏi chi phí vận hành cao gấp ba lần máy bay ném bom B-52. Do tốc độ bay tới 2.470 km/h, phi cơ cần hệ thống định vị và ngắm bắn mới mang tên AN/ASQ-42, vốn gặp hàng loạt trở ngại trong quá trình nghiên cứu và không thể hoàn thiện.
Động cơ J-79, hệ thống phanh và ghế phóng thoát hiểm cũng gặp nhiều vấn đề, buộc Convair thay đổi thiết kế, càng làm tăng chi phí và kéo dài thời gian phát triển. Tới năm 1961, chi phí cho dự án B-58 đã vượt qua mốc ba tỷ USD, tương đương với 58 tỷ USD ngày nay. Những nhược điểm này khiến không quân Mỹ chỉ đồng ý đặt mua 116 chiếc Hustler, bằng 30% con số dự kiến ban đầu.
Có hai yếu tố thúc đẩy Mỹ hủy bỏ dự án B-58 trước khi nó kịp đi vào biên chế. Đầu tiên là sự xuất hiện của các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại được Liên Xô ra mắt trong thập niên 1950. Nổi bật trong số đó là tên lửa phòng không S-75 Dvina với khả năng đánh chặn mục tiêu ở độ cao 23 km, vượt quá trần bay của B-58. Chính tổ hợp S-75 đã bắn rơi máy bay do thám U-2 của CIA, chấm dứt giai đoạn bất khả xâm phạm của loại phi cơ này trên không phận Liên Xô.

Oanh tạc cơ siêu thanh B-58 Hustler. Ảnh: Wikipedia.
Một giải pháp đối phó với tên lửa là bay thấp bám địa hình, nhưng điều này hạn chế đáng kể tốc độ của phi cơ, vô hiệu hóa điểm mạnh nhất của dòng Hustler. Bên cạnh đó, những chiếc B-58 rất khó điều khiển ở tốc độ thấp, với tỷ lệ tai nạn lên tới 20%.
Yếu tố thứ hai bắt nguồn từ đòi hỏi của không quân Mỹ, trong đó yêu cầu các hạng mục dự án B-58 được phát triển đồng thời, tương tự những gì xảy ra với chương trình tiêm kích tàng hình F-35 sau này.
"Nguyên tắc trung tâm là máy bay cần được thiết kế như một thể thống nhất, quá trình nghiên cứu phải tiến hành đồng thời trên mọi hệ thống, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình huấn luyện. Điểm yếu của phương pháp này là khi xảy ra vấn đề, toàn bộ dự án phải được thiết kế lại hoặc chờ xử lý xong vấn đề. Kết quả là việc phát triển bị chậm trễ, kế hoạch chuẩn bị trước đó phải hủy bỏ, chi phí tăng cao", đại tá không quân Mỹ Elliott V. Converse III cho biết.
Dòng B-58 Hustler không bao giờ được đưa vào tham chiến thực tế, nó cũng không được hoán cải để thực hiện nhiệm vụ nóm bom thông thường. Tới tháng 1/1970, không quân Mỹ quyết định loại biên dòng oanh tạc cơ này. Nhiệm vụ tấn công hạt nhân được chuyển cho phi đội B-52, B-1B Lancer, B-2 Spirit, F-111 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tử Quỳnh