Cuộc thử nghiệm diễn ra trong tháng 5 tại bãi thử Point Mugu, California là lần thứ hai tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) bắn trúng cùng lúc tàu mục tiêu đang di chuyển trên biển, Diplomat hôm nay đưa tin.
"Hai tên lửa tự dẫn đường qua tất cả tọa độ định trước, sử dụng bộ cảm biến để phát hiện và tự chuyển hướng theo các mục tiêu di động trên biển. Hai tên lửa sau đó khóa và bắn trúng mục tiêu giả định", tuyên bố của hãng sản xuất Lockheed Martin nhấn mạnh.
Hồi tháng 12/2017, một oanh tạc cơ B-1B Lancer cũng phóng thành công hai LRASM và đánh trúng mục tiêu tại vùng biển không được tiết lộ.
Uy lực của tên lửa LRASM theo lý thuyết.
Dự án phát triển LRASM được Lockheed Martin triển khai nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. Các loại vũ khí chống hạm đã bị Mỹ bỏ quên từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc không thể ngồi yên.
Tên lửa này được trang bị đầu dò radio đa chức năng cùng đường truyền dữ liệu (datalink) tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết LRASM có tầm bắn trên 370 km, trong khi các chuyên gia ước tính con số này có thể đạt mức 560 km.
Nguyễn Hoàng