Bộ Quốc phòng Nga hôm qua xác nhận máy bay trinh sát Il-20 rơi trên Địa Trung Hải do trúng tên lửa phòng không S-200 của quân đội Syria, khiến 15 quân nhân thiệt mạng. Giới chuyên gia cho rằng thảm kịch này bắt nguồn từ nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là do sai lầm từ lực lượng phòng không Syria, theo Business Insider.
Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng quân đội Israel có thể đã triển khai các biện pháp thu thập tình báo và dựa vào việc chia sẻ thông tin tác chiến với quân đội Nga để nắm lộ trình bay của chiếc Il-20, sau đó lợi dụng điều này để thực hiện đòn không kích vào cơ sở quân sự Syria ở Latakia.
"Một trong những dấu hiệu đặc trưng của Israel khi thực hiện đòn tấn công trong lưới phòng không Syria là hoạt động chế áp điện tử", Bronk nhận định.
Lưới phòng không Syria đêm 17/9 dường như phải đối mặt với các đợt gây nhiễu nặng và nguy cơ bị tiêm kích Israel tấn công, trong khi một trinh sát cơ Nga lại bay ngay phía trên những chiếc F-16. Điều này càng gây khó khăn cho lực lượng phòng không Syria, vốn nhiều lần bị chỉ trích vì trình độ tác chiến kém.
"Khó có khả năng Israel cố ý gài bẫy để phòng không Syria bắn máy bay Nga. Có thể họ định lợi dụng chiếc Il-20 bay bên trên để 'núp bóng', với hy vọng phòng không Syria sẽ không khai hỏa", Bronk nhận định. Tuy nhiên, có vẻ như Israel đã nhận định sai về quyết tâm của các chỉ huy tên lửa Syria.
Dù vậy, lực lượng tên lửa Syria trải qua 7 năm nội chiến, bị tiêu hao lớn cả về nhân lực lẫn khí tài, dường như chưa đủ trình độ và kỹ năng để đối phó với tiêm kích Israel.
Chuyên gia Jonathan Marcus của BBC cho rằng dù S-200 không phải là hệ thống phòng không hiện đại, tín hiệu của chiếc Il-20 trên màn hình radar lớn hơn rất nhiều so với tiêm kích F-16 và bất cứ chỉ huy tên lửa nào có kinh nghiệm cũng sẽ dễ dàng phân biệt. Nhưng nếu kíp vận hành tên lửa Syria có trình độ yếu kém, đặc biệt là trong điều kiện bị gây nhiễu và tác chiến điện tử, họ có thể mắc sai lầm.
Một giả thuyết khác là mã hiệu trong hệ thống nhận diện địch ta (IFF) của máy bay Nga và phòng không Syria không tương thích, khiến khẩu đội S-200 nhận nhầm chiếc Il-20 là phi cơ địch. Quân đội Syria và Nga có thể duy trì kết nối với nhau để thông báo tình hình chiến trường, nhưng nhiều khả năng họ chỉ sử dụng biện pháp đàm thoại vô tuyến, vốn có nguy cơ quá tải và gián đoạn trong các trận đánh ác liệt.
Dù được trang bị nhiều hệ thống cảm biến hiện đại, cho phép giám sát và chia sẻ dữ liệu chiến trường theo thời gian thực, trinh sát cơ Il-20 lại không có hệ thống phòng vệ để đối phó với những tên lửa đang lao tới. Điều này khiến nó trở thành mục tiêu dễ dàng cho quả đạn S-200 của Syria.
"Cuộc không kích của Israel đóng góp một phần không nhỏ vào thảm kịch này. Tuy nhiên, trình độ yếu kém của phòng không Syria mới là lý do hàng đầu khiến chiếc Il-20 bị bắn rơi và làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng", chuyên gia Bronk nhận xét.
Duy Sơn