"Từ nay đến năm 2025, chúng tôi chắc chắn sẽ tiến hành thử nghiệm những công nghệ này và đạt được bước tiến lớn", TASS ngày 24/5 dẫn tuyên bố của Givi Dzhandzhgava, phó tổng giám đốc tập đoàn điện tử quốc phòng KRET, về việc chế tạo mẫu trực thăng có khả năng điều khiển một cụm máy bay không người lái (UAV).
Cố vấn cấp cao KRET Vladimir Mikheyev trước đó cho biết tập đoàn này đã phát triển thành công hệ thống trí thông minh nhân tạo nhằm sản xuất mẫu UAV có khả năng tự đưa ra quyết định trên chiến trường. Hệ thống này bao gồm những thiết bị có kích thước nhỏ, với trọng lượng từ một đến hai kg và có những tính năng đủ để điều khiển các UAV cỡ nhỏ.
"Công nghệ bầy UAV có thể phối hợp ra quyết định hoặc tự thực hiện nhiệm vụ theo tình huống cụ thể trên chiến trường sẽ được ra mắt tại Nga trong vòng 5 năm tới", ông Mikheyev nhấn mạnh.
Nga không phải là quốc gia đầu tiên phát triển công nghệ "bầy UAV". Quân đội Mỹ hồi giữa năm 2016 tuyên bố thử nghiệm thành công chiến thuật sử dụng hàng trăm UAV cỡ nhỏ (Perdix) với nhau tạo thành một khối vuông chặt chẽ để tấn công đối phương.
Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) hồi tháng 6/2017 cũng ra mắt hệ thống trinh sát chiến đấu gồm 119 UAV cỡ nhỏ được kết nối với nhau, có khả năng cất cánh và bay theo đội hình.
CETC cho biết công nghệ mới có thể cắt giảm chi phí sản xuất và vận hành, cũng như tăng khả năng tấn công so với một UAV cỡ lớn cùng mức giá. Khi áp dụng công nghệ này, các UAV cùng phát hiện mục tiêu, sau đó một số chiếc mang vũ khí sẽ thực hiện đòn tấn công cảm tử vào mục tiêu này.
Nguyễn Hoàng