Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov hồi tháng 11 xác nhận nước này đang thiết kế dòng tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) hoàn toàn mới. Dòng máy bay này có thể được phát triển từ mẫu Yak-38 và Yak-141 ra đời dưới thời Liên Xô, nhằm thay thế tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K trong biên chế hải quân Nga hiện nay và cạnh tranh với mẫu F-35B của Mỹ, Sputnik đưa tin.
Phiên bản Yak-38 được biên chế vào năm 1976, nhanh chóng trở thành mẫu VTOL được sản xuất nhiều nhất của Moscow với tổng cộng 231 chiếc. Chúng được triển khai trên hạm đội gồm 4 tàu tuần dương mang máy bay Đề án 1143 của hải quân Liên Xô.
Tuy nhiên, phi công hải quân Liên Xô không hề ưa thích loại máy bay này do tỷ lệ tai nạn quá cao, khiến hàng chục chiếc bị phá hủy hoặc phải vứt bỏ. Những chiếc Yak-38 được sử dụng nhiều nhất cũng chỉ tích lũy được 40 giờ bay/năm trên các tàu sân bay Liên Xô.
"Tính năng chiến đấu của Yak-38 cũng rất kém. Loại tiêm kích này không được trang bị radar, khiến nó chỉ có thể tác chiến trong tầm gần dưới sự hỗ trợ của dẫn đường mặt đất hoặc tàu chiến. Việc sử dụng Yak-38 với vai trò là cường kích cũng không hiệu quả, khi bán kính chiến đấu của nó trong chế độ VTOL chỉ đạt 195 km", nhà phân tích Vadim Saranov cho biết.
Quá trình sản xuất Yak-38 chấm dứt vào năm 1989. Chúng dần bị loại bỏ trong thập niên 1990, những chiếc cuối cùng bị hải quân Nga loại biên vào năm 2004.
Yak-141, nền tảng phát triển tiêm kích F-35B của Mỹ
Thành tích hoạt động kém cỏi của Yak-38 thúc đẩy các nhà thiết kế Liên Xô nghiên cứu dòng tiêm kích VTOL mới mang tên Yak-141, tiến hành chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1987. Đây được giới quan sát Liên Xô và phương Tây coi là mẫu máy bay đầy hứa hẹn, nhưng việc phát triển bị hủy bỏ sau khi Liên Xô tan rã.
Cuối năm 1991, tập đoàn Lockheed đã chi khoảng 400 triệu USD để mua lại thiết kế của Yak-141. Đây là nền tảng để hãng này ứng dụng vào việc chế tạo phiên bản F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng cho thủy quân lục chiến Mỹ.
Mẫu VTOL mới cho hải quân Nga trong thế kỷ 21
Đại tá hải quân Nga Konstantin Sivkov khẳng định mẫu VTOL mới này có thể chiếm vị trí quan trọng đối với ngành hàng không quân sự Nga nói chung, thay vì chỉ giới hạn trong biên chế hải quân Nga.
"Vấn đề chính hiện nay là tiêm kích đòi hỏi đường băng dài và có chất lượng tốt. Các sân bay đạt tiêu chuẩn như vậy có số lượng rất ít, dễ bị tiêu diệt trong đòn đánh phủ đầu. Những chiếc tiêm kích VTOL có thể được phân tán và cất cánh từ đường băng dã chiến, duy trì khả năng chiến đấu trong nhiều tình huống", ông Sivkov nhận định.
Tính năng VTOL cho phép máy bay cất cánh từ tàu chiến có đường băng ngắn, không trang bị máy phóng hơi nước hoặc điện tử. Thậm chí chúng có thể xuất kích từ tàu hàng với sàn boong giới hạn, tăng tính linh hoạt trong việc triển khai lực lượng.
Tuy nhiên, VTOL không phải giải pháp có hiệu quả toàn diện. Loại máy bay này tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu khi cất cánh thẳng đứng, trong khi việc triển khai lượng lớn tiêm kích VTOL là điều không thực tế.
Tiêm kích F-35B thử nghiệm cất hạ cánh thẳng đứng
Thiết kế sử dụng động cơ đẩy riêng như F-35 và Yak-141 chiếm nhiều không gian bên trong máy bay, giảm tải trọng vũ khí và tầm hoạt động. Ngược lại, việc trích luồng xả của động cơ như chiếc Harrier lại không bảo đảm lực đẩy, giới hạn đáng kể khả năng cơ động và bay siêu thanh.
Dự án siêu tiêm kích F-35 cũng là lời cảnh báo với Nga về chi phí phát triển một mẫu máy bay VTOL mới. Mẫu tiêm kích sở hữu tính năng tương đồng với mẫu F-35B sẽ tạo ra hàng loạt yêu cầu thiết kế, bao gồm thu nhỏ thiết bị điện tử, hệ thống vũ khí và khung thân mới để đáp ứng hoạt động VTOL.
Động cơ sẽ là vấn đề lớn nhất nếu Nga muốn phát triển dòng VTOL mới. Hãng phát triển động cơ cho Yak-38 và Yak-141 đã ngừng hoạt động từ lâu. Dù tài liệu thiết kế vẫn còn tồn tại, những chuyên gia có kinh nghiệm chế tạo linh kiện cũng không còn làm việc hoặc đã qua đời, khiến Moscow không thể tái khởi động việc sản xuất chúng. Điều này khiến Nga phải nghiên cứu động cơ từ đầu, quá trình rất tốn kém và mất thời gian.
Moscow đã đưa ra một số dấu hiệu về tương lai của không quân hải quân Nga. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến khởi đóng siêu tàu sân bay Đề án 23000E "Shtorm" trong giai đoạn 2025-2030, đồng thời nhận bàn giao hai tàu đổ bộ hạng nặng lớp Priboy trước năm 2030. Đây sẽ là những nền tảng phù hợp nhất cho dự án VTOL được nước này ấp ủ.
Tử Quỳnh