Pháo M109A6 của Mỹ diễn tập bắn đạn thật
Quan chức lục quân Mỹ hồi cuối tháng 3 vạch ra kế hoạch giúp tăng tầm bắn các hệ thống tên lửa mặt đất và pháo binh, phòng trường hợp không quân không thể hỗ trợ bộ binh khi xảy ra chiến tranh tại châu Âu. Giới chuyên gia nhận định điều này có thể biến pháo binh thành át chủ bài của Mỹ trong xung đột quân sự tương lai với Nga, theo Military.
"Chúng ta phải nâng hết cỡ tầm bắn của mọi hệ thống vũ khí chiến thuật và chiến lược, nhằm giành ưu thế vượt trội so với đối thủ. Mỹ cần các loại pháo có thể bắn xa như pháo phản lực, rocket có tầm bắn như tên lửa, trong khi tên lửa cần tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách gần 500 km", tướng Robert Brown, tư lệnh Bộ chỉ huy Lục quân khu vực Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố.
Theo chuyên gia quân sự Matthew Cox, hệ thống phòng không Nga hiện nay đủ vô hiệu hóa không quân đối phương, ngăn chúng thực hiện nhiệm vụ yểm trợ tầm gần, do thám và trinh sát, cũng như các nhiệm vụ hỗ trợ khác có vai trò then chốt với lực lượng mặt đất. Nghiên cứu của Viện phân tích RAND nhận định Nga có lợi thế đáng kể về quân số và mọi yếu tố tác chiến trên bộ so với NATO trong 7-10 ngày đầu xung đột tại châu Âu.
"Tầm bắn cùng sát thương lớn từ lưới phòng không Nga sẽ gây khó khăn cho mọi hình thức yểm trợ trên không, khiến bộ binh bị ảnh hưởng nặng nề", chuyên gia nghiên cứu chính sách John Gordon tại Viện RAND nhận định.
Mối đe dọa này khiến pháo binh lục quân Mỹ trở thành ưu tiên triển khai hàng đầu. Hỏa lực tầm xa được cho là đủ sức bù đắp sự thiếu hụt sức mạnh không quân trong những ngày đầu khi chiến tranh nổ ra.
Nga đang sở hữu số lượng tổ hợp pháo áp đảo Mỹ, các mẫu pháo hiện đại của Moscow cũng có tầm bắn lớn hơn gần gấp đôi so với đối thủ. Do đó, lục quân Mỹ coi hỏa lực pháo binh tầm xa là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hiện đại hóa, thay thế các nền tảng vũ khí chủ lực hiện nay.
Tướng Stephen Maranian, hiệu trưởng Trường sĩ quan pháo binh lục quân Mỹ, cho biết lực lượng này đang cân nhắc sử dụng đạn siêu tốc, pháo điện từ và pháo cỡ nòng siêu lớn để cải thiện uy lực trong tương lai. Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATacMS) cũng dự kiến được thay bằng hệ thống Tên lửa tấn công chính xác (PSM).
"Nguyên mẫu PSM sẽ ra mắt trong năm 2019 và dự kiến biên chế đầu năm 2023", tướng Maranian cho biết.
PSM là bản nâng cấp sâu của tổ hợp ATacMS với tầm bắn tới 499 km, nhằm né quy định về giới hạn tầm bắn của Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). PSM có tốc độ 1.850 km/h, sở hữu tầm bắn và sát thương lớn hơn biến thể ATacMS nguyên gốc. PSM được trang bị nhiều đầu đạn khác nhau, phục vụ mục đích diệt tàu chiến và tấn công mục tiêu di động trên bộ.
Lầu Năm Góc dự kiến tăng cường hỏa lực cho các khẩu đội pháo trong đội hình chiến đấu lữ đoàn. Lực lượng này đang nâng cấp pháo tự hành Paladin cỡ nòng 155 mm lên chuẩn M109A6. Ngoài ra, lục quân Mỹ cũng sẽ sử dụng công nghệ Đạn pháo tăng tầm (ERCA), cho phép đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách 40 km. Loại vũ khí này dự kiến được đưa vào biên chế năm 2021.
"Với kế hoạch này, Mỹ có thể áp đảo mọi đối thủ trên chiến trường", tướng Maranian nhấn mạnh.
Duy Sơn