
Chiếc E-2D (phải) thử nghiệm tiếp dầu từ máy bay KC-130. Ảnh: Northrop Grunman.
Hải quân Mỹ cho biết một máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye đã hoàn thành thử nghiệm tiếp dầu trên không đầu tiên hồi giữa năm nay, National Interest ngày 31/10 đưa tin.
Sau thử nghiệm thành công, toàn bộ đội máy bay E-2D Mỹ sẽ được trang bị khả năng tiếp dầu trên không, giúp tăng đáng kể tầm bay và thời gian hoạt động của loại phi cơ được ví như "mắt thần của hải quân Mỹ". Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Mỹ tập trung hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương
"Thử nghiệm thành công tiếp dầu trên không là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển máy bay E-2D, giúp tăng tầm hoạt động, thời gian chỉ huy và điều phối tác chiến của phi cơ này với lực lượng Mỹ và đồng minh", đại tá hải quân Keith Hash, giám đốc chương trình Các hệ thống Dữ liệu chiến thuật E-2/C-2 (PMA-231) của Mỹ, cho biết.
Tổng cộng ba chiếc E-2D được triển khai trong chương trình thử nghiệm tiếp dầu trên không được Northrop Grunman và Lầu Năm Góc ký kết hồi năm 2013. Các máy bay E-2D chế tạo mới từ năm 2018 sẽ được lắp sẵn hệ thống tiếp dầu, trong khi những chiếc cũ đang trong biên chế cũng được chỉnh sửa và trang bị hệ thống này. Toàn bộ phi đội E-2D của hải quân Mỹ sẽ có có đủ khả năng tiếp dầu trên không vào năm 2020.
E-2D Advanced Hawkeye là phiên bản hiện đại nhất của của dòng máy bay cảnh báo sớm E-2, có nhiệm vụ giám sát trên biển và đất liền nhằm cung cấp thông tin về các mối đe doạ cho trung tâm chỉ huy và lực lượng chiến đấu. Phiên bản Advanced Hawkeye nổi bật với radar AN/APY-9 băng tần UHF. Các đài radar băng tần UHF được cho là công cụ hiệu quả để đối phó với máy bay tàng hình.
Phi đội E-2D được Mỹ triển khai tới Nhật Bản
Tiêm kích tàng hình được tối ưu hóa để đối phó các sóng radar băng tần Ka, Ku, X, C và một phần băng tần S, vốn được sử dụng rộng rãi trong các đài radar điều khiển hỏa lực và cảnh giới. Trong khi đó, radar băng tần UHF hoạt động trên tần số 300-1.000 MHz với độ dài bước sóng 10-100 cm, nằm ngoài khả năng đối phó tối ưu của máy bay tàng hình. Điều này giúp radar AN/APY-9 có thể phát hiện tiêm kích tàng hình J-20 hoặc J-31 Trung Quốc tốt hơn các phiên bản cũ.
Quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận radar UHF có thể phát hiện và theo dõi máy bay tàng hình, nhưng không thể dẫn bắn tên lửa hạ mục tiêu. Tuy nhiên, hàng loạt công nghệ xử lý tín hiệu và đường truyền dữ liệu mới có thể giúp cải thiện điểm yếu này trong tương lai.
Sự kết hợp giữa mắt thần E-2D với tiêm kích F/A-18E/F và F-35C hoặc tàu chiến trang bị hệ thống Aegis sẽ giúp Mỹ đối phó tốt hơn trước tiêm kích tàng hình J-20 hoặc J-31 của Trung Quốc. Việc tăng tầm bay và thời gian hoạt động của E-2D sẽ giúp nó trở thành vũ khí hiệu quả hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, chuyên gia quân sự Dave Majumdar kết luận.
Duy Sơn