Bom GBU-43 được thả thử nghiệm từ máy bay MC-130 năm 2003. Video: USAF.
Không quân Mỹ đang tìm kiếm nhà thầu có "trình độ, khả năng và kinh nghiệm" để triển khai dự án nâng cấp, trang bị bom GBU-43/B MOAB (Mẹ của các loại bom) cho oanh tạc cơ B-52, một trong những khí tài cũ nhất trong biên chế lực lượng này, Sputnik đưa tin.
Hiện chỉ có vận tải cơ C-130 Hercules hoặc MC-130E/H Combat Talon sử dụng được bom GBU-43/B. Quả bom được đặt trên giá đỡ trong khoang hàng và dùng dù hãm để kéo ra khỏi máy bay, sau đó dựa vào hệ thống dẫn đường vệ tinh và cánh lái để bay tới mục tiêu.
Khoang bom của B-52 chỉ dài 8,5 m, trong khi mỗi quả MOAB dài tới 9,5 m, khiến chúng không nhét vừa thân của loại oanh tạc cơ này. Máy bay B-52 cũng có giá treo vũ khí dưới cánh, nhưng chỉ gắn được các loại bom và tên lửa có khối lượng dưới 2,4 tấn, chỉ bằng 1/4 khối lượng 10,3 tấn của siêu bom GBU-43/B.
"Khi cấu hình B-52 hiện tại ra đời, không ai đoán được nhu cầu mang các loại bom nặng hơn 2,4 tấn cho chúng. Thế hệ giá treo dưới cánh mới sẽ phải lắp được các vũ khí có khối lượng 2,4-10,5 tấn", không quân Mỹ cho biết trong tài liệu mời thầu.
MOAB là loại bom thông thường hạng nặng được Mỹ phát triển. Vào thời điểm ra mắt, nó được coi là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới, với mức giá 16 triệu USD/quả.
Mỗi quả được nhồi 8,5 tấn thuốc nổ H-6, cho sức nổ tương đương 11 tấn TNT. Siêu bom này được đưa vào thực chiến lần đầu hôm 13/4/2017, tiêu diệt cùng lúc 36 phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cố thủ trong hang động tại Afghanistan.