Lục quân Mỹ hồi cuối tháng 2 tuyên bố sẽ sớm trang bị mẫu súng trường mới sử dụng loại đạn đặc biệt có áp suất buồng đạn lớn ngang pháo xe tăng, nhằm tăng khả năng xuyên thủng những mẫu áo giáp hiện đại nhất thế giới hiện nay, theo Task and Purpose.
Mang tên "Súng trường Tự động cấp tiểu đội thế hệ mới" (NGSAR), đây là phiên bản đầu tiên trong Tổ hợp Vũ khí Thế hệ mới (NGWS) được trang bị đạn cỡ nòng từ 6,5 đến 6,8 mm. Mục tiêu của lục quân Mỹ là sử dụng NGSAR thay thế 80.000 khẩu súng máy M249 SAW trong biên chế hiện nay.
Trong 15 năm qua, quân đội Mỹ chỉ chú trọng vào các vũ khí sát thương được tối ưu cho mục tiêu không có giáp bảo vệ. Giờ đây, trước tiến bộ công nghệ của các đối thủ tiềm tàng, Mỹ cần loại vũ khí có khả năng xuyên giáp mạnh, cũng như sở hữu sức sát thương lớn ở tầm xa, phù hợp với địa hình đồi núi và sa mạc Trung Đông.
Lầu Năm Góc đang chuyển từ mô hình tác chiến đô thị trong phạm vi hẹp ở Iraq sang địa hình đồi núi trống trải của Afghanistan. Súng trường nòng ngắn như M4 phát huy được hiệu quả trong giao tranh đô thị, nhưng không đủ tầm bắn để diệt mục tiêu ở xa trong các trận đánh với phiến quân Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở địa hình trống trải.
Đây là lý do thúc đẩy lục quân Mỹ phát triển NGSW, gồm súng trường NGSAR, súng trường tự động nòng ngắn (NGSC) và một mẫu súng trường bắn tỉa cho xạ thủ cấp tiểu đội. Lục quân Mỹ từng tập trung trang bị súng trường nòng ngắn sử dụng đạn 6,5 mm và có tính năng tốt hơn khẩu M4, nhưng dự án đó đã bị loại bỏ để theo đuổi mẫu NGSAR.
Lục quân Mỹ chưa đặt ra yêu cầu thiết kế chính thức, nhưng NGSAR dự kiến có khối lượng nhẹ hơn, tầm bắn và khả năng xuyên phá tốt hơn vũ khí bộ binh trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay. Áp suất buồng đạn lớn có thể giúp viên đạn xuyên thủng áo giáp gia cường của đối phương ở khoảng cách tới 600 m.
Điểm nhấn của NGSAR và chương trình NGSW là tổ hợp kiểm soát hỏa lực được phát triển riêng biệt, không liên quan tới nòng và khung thân súng. Đây sẽ là phiên bản thu nhỏ của các hệ thống hỏa lực được sử dụng trên xe thiết giáp và máy bay.
Giới chuyên gia nhận định đây là một dự án tương đối tham vọng, giúp lục quân Mỹ tăng cường đáng kể hỏa lực bộ binh ở khoảng cách lớn. Tuy nhiên, việc tăng áp suất buồng đạn lên quá cao có thể trở thành con dao hai lưỡi, đòi hỏi súng được chế tạo từ vật liệu bền hơn, đồng thời tốc độ hao mòn nòng và buồng đạn cũng cao hơn những dòng vũ khí bộ binh truyền thống.
Duy Sơn