Trung tâm chỉ huy Taliban trúng đạn pháo HIMARS hôm 24/5. Video: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Lục quân Mỹ hồi tuần trước triển khai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) để tấn công phiến quân Taliban tham gia một cuộc họp bí mật tại tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, khiến ít nhất 50 chỉ huy của lực lượng này thiệt mạng. Đòn tấn công này một lần nữa cho thấy uy lực và độ chính xác cao của HIMARS, vũ khí được ví như "súng trường bắn tỉa cỡ lớn" của các chỉ huy Mỹ trên chiến trường, theo Drive.
M142 HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70 km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Đây được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, nhờ khả năng hoạt động tốt trong điều kiện bão cát và thời tiết xấu.
Cuộc pháo kích phiến quân Taliban hồi tuần trước là ví dụ cho thấy tính hữu dụng của tổ hợp M142 trong các cuộc xung đột cường độ thấp. Video quay từ máy bay trinh sát không người lái cho thấy những quả đạn pháo gần như lao thẳng xuống mục tiêu, khiến sức công phá tập trung vào phần nóc nhà. Tính năng này đặc biệt hiệu quả khi tiêu diệt nhóm phiến quân tập trung, giảm thiệt hại gây ra cho các công trình hoặc dân thường xung quanh.
Việc sử dụng khung gầm bánh lốp cho phép HIMARS cơ động với tốc độ tới 85 km/h trên đường bộ, trong khi sự nhỏ gọn giúp nó có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải. Các khẩu đội M142 có thể nhanh chóng tiếp cận và rời khỏi trận địa ngay khi có lệnh.
Pháo M142 thể hiện nhiều ưu điểm so với việc không kích bằng máy bay thông thường, nhất là khả năng thực hiện nhiệm vụ trong thời tiết xấu. Thời gian triển khai chớp nhoáng cũng giúp HIMARS tung đòn yểm trợ và phủ đầu trước khi đối phương kịp phản ứng.
Hồi tháng 10/2017, Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đã bắn thử tổ hợp M142 trên tàu đổ bộ USS Anchorage, tiêu diệt mục tiêu nổi từ khoảng cách 70 km. Điều này cho thấy HIMARS có thể biên chế trên các tàu đổ bộ để phóng đạn dẫn đường chính xác, phục vụ các chiến dịch đổ bộ đánh chiếm bờ biển.
Trong bối cảnh hải quân Mỹ dự tính triển khai Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp (NIFC-CA), tổ hợp M142 có thể nhận dữ liệu mục tiêu từ máy bay không người lái để khai hỏa. Trên lý thuyết, USMC có thể trang bị HIMARS trên mọi chiến hạm mặt nước cỡ lớn để bảo đảm hỏa lực cho các chiến dịch đổ bộ.
Những tính năng trên khiến M142 HIMARS là đủ sức trở thành khí tài chủ lực của pháo binh lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ trong các cuộc xung đột tương lai với những đối thủ mạnh như Nga và Trung Quốc, chuyên gia quân sự Joshep Trevithick nhấn mạnh.
Duy Sơn