Pháp gần đây nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng việc điều tàu chiến tuần tra Biển Đông và lên kế hoạch tập trận không quân để phản đối các hoạt động quân sự hóa khu vực này của Trung Quốc, theo AFP.
Tàu sân bay trực thăng Dixmude và một tàu khu trục của Pháp hồi cuối tháng 5 áp sát một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Trong chuyến tuần tra này, hai chiến hạm Pháp đã bị các tàu Trung Quốc bám sát đến khi họ rời khỏi khu vực.
Hải quân Pháp cho biết họ thường xuyên điều tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông từ ba đến năm lần mỗi năm.
Không quân Pháp cũng đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận lớn chưa từng có tại Đông Nam Á với sự tham gia của ba chiến đấu cơ Rafale, một vận tải cơ A-400, một máy bay tiếp liệu C-135 bay từ Australia tới Ấn Độ với vài chặng dừng chân trên hành trình.
Giới chức quân đội Pháp cho biết đây được coi như một phần trong chiến lược đánh dấu sự hiện diện của Pháp tại khu vực có hơn 1,5 triệu công dân nước này sinh sống trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương.
Trong chuyến công du tới Australia hồi tháng 4/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh mục tiêu phải bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước "tham vọng bá chủ", ám chỉ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Macron khẳng định Pháp không muốn đối đầu với Trung Quốc, nhưng để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hùng mạnh thì các quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng.
"Tổng thống Pháp dường như đang trở nên thực tế trước những thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc. Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh so với những người tiền nhiệm, vốn bị mê hoặc bởi những cơ hội kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc", chuyên gia cao cấp Jonas Parello-Plesne thuộc Viện Hudson đánh giá.
Chiến lược dài hơi
Trên thực tế, Pháp đã có những hoạt động chống lại tham vọng trên biển của Trung Quốc ngay từ năm 2014, khi thường xuyên điều tàu chiến tuần tra ở Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ trật tự hàng hải quốc tế. Đến năm 2016, cựu bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng kêu gọi châu Âu duy trì hiện diện quân sự thường xuyên và hiệu quả hơn ở Biển Đông.
Bên cạnh quyền tự do hàng hải, Pháp cũng nhận thức rõ nhu cầu bảo vệ quyền lợi của các công dân đang sinh sống rải rác trên 5 lãnh thổ hải ngoại ở Thái Bình Dương, bao gồm New Caledonia và Polynesia. "Vùng biển này là nhà của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng này.
"Mặc dù Mỹ đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn Trung Quốc, việc một cường quốc đồng thời là thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Pháp củng cố vị thế và có các hoạt động tại đây không phải là hành động vô nghĩa", chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp Valerie Niquet nhận định.
Theo giới phân tích, một nguyên nhân khác thúc đẩy các hoạt động gia tăng hiện diện của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhu cầu thể hiện tiềm lực quân sự trước các khách hàng vũ khí lớn của Paris trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ và Australia.
Trong năm 2016, Ấn Độ đã nhất trí mua 36 chiến đấu cơ Rafale, còn Australia cũng ký một thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD để mua 12 tàu ngầm từ một tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp.
"Những thương vụ vũ khí này cũng có thể là yếu tố thúc đẩy Pháp thể hiện lập trường quyết liệt hơn đối với vấn đề Biển Đông", bà Niquet nhấn mạnh.