Quân đội Nhật Bản đang đặt nền móng cho việc triển khai các loại tên lửa chống hạm và phòng không tại hòn đảo yên bình Ishigaki, trong một động thái nhằm đối phó với thứ mà Tokyo coi là mối đe dọa lớn nhất về lâu dài: Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Đảo Ishigaki thuộc quần đảo Ryukyu phía tây nam Nhật Bản, cách Trung Quốc khoảng 321 km về phía đông. Thời gian gần đây, các đơn vị quân đội, vũ khí mới và radar liên tục được điều động tới hòn đảo này nhằm củng cố khả năng phòng thủ. Căn cứ tên lửa tầm xa đặt tại hòn đảo này được ví như "lưỡi dao" đặt cạnh sườn Trung Quốc, với tầm tác chiến bao trùm phạm vi rộng lớn trên biển Hoa Đông.
Trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện uy lực quân sự đáng gờm và Triều Tiên ra sức mở rộng kho vũ khí hạt nhân, Nhật Bản đã tính đến chuyện cân nhắc lại chiến lược quốc phòng và đang dần xa rời khỏi chính sách hòa bình mà Tokyo theo đuổi kể từ sau Thế chiến II.
Ngày 22/12, nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến thông qua kế hoạch tăng 2,5% chi tiêu quốc phòng thường niên, bao gồm kinh phí cho việc xây dựng những căn cứ quân sự mới ở các hòn đảo phía nam cũng như sắm sửa các tên lửa hành trình đầu tiên và triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết những tên lửa hành trình này sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ các đảo khỏi nguy cơ bị xâm phạm.
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản không ngừng gia tăng kể từ năm 2013. Tokyo, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington, đang tập trung mua sắm nhiều chiến đấu cơ hiện đại, nâng cao năng lực giám sát và huấn luyện một đơn vị lính đổ bộ mới.
Mức chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn chỉ bằng một phần hai so với Trung Quốc và bằng một phần ba Mỹ nếu đối chiếu với quy mô kinh tế mỗi nước. Nhưng với sự hỗ trợ và thúc đẩy của Washington, Tokyo đang trên đường xây dựng một trong những lực lượng vũ trang mạnh mẽ nhất thế giới.
Nguy cơ tiềm tàng
Ishigaki và các đảo lân cận là một phần trong cái mà quân đội Trung Quốc gọi là "chuỗi đảo thứ nhất". Giới chức đảo Ishigaki chịu trách nhiệm quản lý một nhóm đảo nhỏ, không người ở gần đó mà Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi đây là Điếu Ngư.
Những năm gần đây, Trung Quốc điều hàng loạt tàu tuần duyên cỡ lớn, một số được trang bị vũ khí, tiếp cận xung quanh quần đảo. Một hạm đội gồm 10 tàu cảnh sát biển Nhật Bản đóng tại Ishigaki thường xuyên phải chơi trò "mèo vờn chuột" với tàu Trung Quốc.
Chuẩn đô đốc Atsushi Tohyama, chỉ huy căn cứ lực lượng bảo vệ bờ biển trên đảo Ishigaki, cho biết tàu Nhật Bản vẫn thường liên lạc với tàu Trung Quốc qua sóng radio để tránh va chạm.
"Các tàu Trung Quốc ngày càng lớn và hiện đại hơn. Về mặt này, họ đang khiến tình hình leo thang", ông Tohyama nói.
Một phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cho hay họ đang có kế hoạch triển khai khoảng 500 đến 600 binh sĩ tới Ishigaki để lắp đặt hệ thống tên lửa mới.
Trung Quốc nhấn mạnh họ hy vọng "Nhật Bản sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình và không thực hiện bất kỳ động thái nào gây tổn hại đến hòa bình, ổn định ở khu vực".
Thủ tướng Shinzo Abe lập luận Nhật Bản cần làm nhiều hơn để tự vệ và giảm sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ. Theo ông, việc sửa đổi hiến pháp hòa bình nhằm chính thức công nhận quyền có quân đội của Nhật Bản là một phần trong tiến trình trên.
Hiện chưa rõ đề xuất thay đổi hiến pháp của ông Abe có nhận được đa số phiếu ủng hộ từ quốc hội và được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia sau đấy hay không.
Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản đang nỗ lực hoàn thiện bản kế hoạch sửa đổi hiến pháp để trình lên các nhà lập pháp. Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Abe cho rằng việc mua sắm các thiết bị và xây dựng căn cứ quân sự vẫn hợp hiến bởi chúng đều nhằm mục đích bảo vệ Nhật Bản.
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng căn cứ tên lửa ở Ishigaki đã gây chia rẽ trên hòn đảo 50.000 dân này và khơi dậy một số cuộc biểu tình. Nhà hoạt động Shizuo Ota cho rằng một căn cứ quân sự có thể khiến hòn đảo biến thành mục tiêu tấn công đầu tiên nếu xung đột xảy ra.
"Chúng tôi sẽ bị xóa sổ trong chớp mắt", ông nói. Nhưng Thị trưởng Ishigaki Yoshitaka Nakayama lại là một người ủng hộ việc xây dựng căn cứ quân sự. "Chúng ta cần tự bảo vệ mình", ông khẳng định.
Vũ Hoàng