Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump muốn tăng gấp 10 lần kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, cho rằng việc gia tăng như vậy là "hoàn toàn không cần thiết". Phần lớn chuyên gia quốc tế nhất trí với ý kiến này, cho rằng nếu làm điều ngược lại, Mỹ sẽ gánh những hậu quả nặng nề về ngân sách cũng như uy tín trên trường quốc tế, theo Popular Mechanics.
Mỹ hiện có khoảng 6.800 đầu đạn hạt nhân triển khai trên toàn cầu. Bộ ba răn đe hạt nhân của Washington bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III đặt trong các hầm phóng trên lãnh thổ Mỹ, tên lửa đạn đạo Trident D5 trên các tàu ngầm chiến lược tuần tra ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cùng tên lửa hành trình và bom hạt nhân trên oanh tạc cơ B-52.
Nếu tăng kho vũ khí hạt nhân lên gấp 10 lần, Mỹ sẽ sở hữu khoảng 60.000 đầu đạn các loại, cao hơn 4 lần tổng số vũ khí hạt nhân của các cường quốc đang triển khai trên thế giới, gần bằng số đầu đạn được Mỹ và Liên Xô nhắm vào nhau ở đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh.
Số vũ khí hạt nhân được cắt giảm hiện nay là thành quả của một loạt hiệp ước kiểm soát vũ khí song phương bắt đầu từ thập niên 1970 giữa Mỹ và Liên Xô. Những thỏa thuận này vẫn được Nga và Mỹ duy trì cho đến nay, khi hai nước đã cắt giảm hơn 75% kho vũ khí hạt nhân, bất chấp quan hệ xấu đi trong thời gian gần đây.
Nếu tăng kho vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ đơn phương phá vỡ hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, buộc Moscow phải đẩy mạnh phát triển đầu đạn hạt nhân để duy trì đối trọng với Washington. Điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, cuốn theo cả Trung Quốc, nước đang có 200-300 đầu đạn hạt nhân.
Việc các cường quốc đua nhau tăng số lượng vũ khí hạt nhân sẽ đẩy thế giới vào tình cảnh gần bờ vực hủy diệt hơn bao giờ hết. Trong thời đại tên lửa siêu thanh đang được phát triển, các nước càng có ít thời gian để phản ứng khi một tên lửa đạn đạo được phóng lên. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm khi một quốc gia vội vàng kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân vì nhận định sai về một cuộc tấn công hạt nhân bằng tên lửa siêu thanh của đối phương.
Tuy nhiên, tham vọng tăng cường kho vũ khí hạt nhân Mỹ cũng khó thành hiện thực do thiếu ngân sách. Để tăng gấp 10 lần kho hạt nhân, Washington vừa phải chế tạo thêm đầu đạn, vừa phải tăng cường các hệ thống vũ khí như ICBM, oanh tạc cơ và tàu ngầm. Riêng chi phí thay thế bộ ba hạt nhân này dự kiến lên tới 1.000 tỷ USD. Nếu tính cả chi phí chế tạo thêm đầu đạn hạt nhân, kho vũ khí tăng nhiều lần của Mỹ có thể ngốn tới 15.000 tỷ USD, gấp gần 4 lần ngân sách liên bang năm 2016.
Kho vũ khí hạt nhân lớn như vậy cũng hoàn toàn không cần thiết, bởi Mỹ không có chiến lược để sử dụng tới 60.000 đầu đạn. Con số này còn nhiều hơn tổng số xe tăng, tàu chiến và máy bay của Washington hiện nay, trong khi chúng không thể sử dụng trong chiến tranh thông thường, đặc biệt là với các đối thủ không có vũ khí hạt nhân.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, thay vì tăng cường kho vũ khí hạt nhân, Mỹ nên tiếp tục cắt giảm số đầu đạn hiện có để tránh lãng phí cũng như tránh châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang không cần thiết trên thế giới.
Duy Sơn