Với nền khoa học công nghệ quốc phòng phát triển cao, các kỹ sư quân sự Nga không chỉ mơ ước sản xuất những loại vũ khí được ví như trong phim khoa học viễn tưởng mà còn mong muốn phục hồi những dự án dang dở từng được đánh giá rất cao thời kỳ Liên Xô, theo RBTH.
Ngư lôi hạt nhân có khả năng tạo ra sóng thần
Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét phát triển một mẫu ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân có khả năng hủy diệt các mục tiêu ven biển của đối phương bằng sức công phá khủng khiếp.
Năm 1951, viện sỹ viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Andrey Sakharov từng thiết kế một mẫu vũ khí tương tự được gọi là Dự án T-15. Đây là mẫu ngư lôi có trọng lượng khoảng 40 tấn và có khả năng mang một đầu đạn nhiệt hạch với sức công phá lên đến 100 Megaton (gấp 7.600 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II).
T-15 dự kiến được trang bị trên tàu ngầm Đề án 627 "Kit", lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của Liên Xô. Tuy nhiên các chỉ huy hải quân lúc đó cho rằng nó có kích thước quá lớn, khiến số lượng ngư lôi mang theo tàu ngầm bị hạn chế.
Một hội đồng chuyên gia hải quân Liên Xô đề xuất hủy bỏ dự án T-15, thay vào đó tập trung hoàn thiện biến thể T-5 nhỏ hơn được lắp đầu đạn hạt nhân RDS-9 và có thể dễ dàng triển khai trên các tàu ngầm có sẵn của Liên Xô.
"Chúng ta đang có xu hướng xem xét lại những dự án không được triển khai trong quá khứ. Ý tưởng của nhà vật lý hạt nhân Sakharov đang được nghiên cứu", nhà thiết kế ngư lôi hàng đầu của Nga Shamil Aliev cho biết.
Theo giới chuyên gia, loại ngư lôi này nếu được chế tạo sẽ có khả năng phá hủy những mục tiêu ven biển của đối phương bằng cách tạo ra sóng thần khi đầu đạn nhiệt hạch 100 Megaton được kích nổ trong lòng biển.
Tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân
Nga phóng thử tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân Burevestnik.
Hoạt động nghiên cứu chế tạo động cơ hạt nhân cho tên lửa được các nhà khoa học Liên Xô khởi động từ giữa thế kỷ 20. Đến năm 1978, Liên Xô bắt đầu thử nghiệm lò phản ứng đầu tiên cho động cơ tên lửa hạt nhân 11B91 (hay còn gọi là RD-0410), sau đó là hai phiên bản động cơ khác, nhưng không mang lại thành công.
Đến đầu những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô nhận ra rằng việc chế tạo động cơ hạt nhân cho tên lửa đòi hỏi chi phí rất lớn. Công nghệ lúc đó cũng khó giải quyết được hàng loạt vấn đề kỹ thuật như vật liệu, luyện kim, kỹ thuật nhiệt, độ bền, khả năng chống bức xạ và chống va đập...
Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc chế tạo động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng có hiệu suất cao, nên dự án nghiên cứu động cơ hạt nhân cho tên lửa bị đóng băng.
Trong thông điệp Liên bang ngày 1/3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva đã phát triển thành công nhiều "siêu vũ khí", trong đó nổi bật nhất là tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân có "tầm bắn gần như không giới hạn", có khả năng cơ động mạnh để vòng tránh các hệ thống phòng thủ của Mỹ và tấn công từ hướng bất ngờ nhất.
Tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân này được Nga định danh là Burevestnik, có nét tương đồng với với tên lửa X-101 của Nga hay Tomahawk của Mỹ, nhưng mang đặc điểm khác biệt lớn với động cơ hạt nhân, giúp cải thiện đáng kể phạm vi tiêu diệt mục tiêu.
Quân đội Nga vừa công bố video cho thấy các kỹ sư Nga đang kiểm tra những quả tên lửa hành trình Burevestnik trong nhà xưởng lớn. Các tên lửa này được sơn màu đỏ, nhưng những chi tiết quan trọng trên thân đều bị che phủ.
Hình ảnh thực tế của tên lửa hành trình Burevestnik.
Các kỹ sư Nga cho biết mặc dù đã thử nghiệm thành công, thiết kế phần khung của tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik vẫn cần được chỉnh sửa. Một số bộ phận của tên lửa đang được hoàn thiện trong các nhà máy.