Tàu hải quân Nga phóng tên lửa Kalibr diệt khủng bố tại Syria năm 2017. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/5 tuyên bố tàu chiến Nga mang tên lửa hành trình Kalibr sẽ thường xuyên trực chiến tại Địa Trung Hải để đối phó với mối đe dọa khủng bố ở Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái này còn phục vụ nhiều mục đích khác, theo Sputnik.
Chuyên gia phân tích Konstantin Sivkov tại Học viện Khoa học Nga cho rằng việc triển khai tàu chiến mang tên lửa hành trình tầm xa uy lực như Kalibr có thể nhằm bảo vệ lực lượng Nga và đồng minh Syria trước các đối thủ tiềm tàng, đặc biệt là Mỹ.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô thường xuyên bố trí một biên đội tàu chiến ở Địa Trung Hải. Từ phía đông vùng biển này, tàu sân bay Mỹ có thể phát động các cuộc tấn công vào miền nam Liên Xô qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ chính của biên đội trực chiến tại Địa Trung Hải là ngăn đối phương tiến vào vị trí có thể thực hiện đòn tập kích như vậy.
Nhóm tàu trực chiến của hải quân Nga ở Địa Trung Hải ngày nay cũng có mục đích tương tự, nhất là với các tàu hộ vệ được trang bị tổ hợp Kalibr.
Hồi giữa tháng 5, tàu hộ vệ Yaroslav Murdry lớp Neustrashimy đã bám sát tàu sân bay USS Harry S. Truman khi nó hoạt động ngoài khơi Syria. Chuyên gia Kivkov nhận định các tàu như Yaroslav Murdry có thể chuyển tọa độ của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ về sở chỉ huy trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự.
"Khi đó, biên đội tàu chiến mang tên lửa Kalibr sẽ thể hiện sức mạnh. Cụm tàu sân bay Mỹ sẽ phải đối đầu với đòn tấn công bằng tên lửa hành trình từ các tàu nổi, tàu ngầm hạt nhân Đề án 949 và tàu ngầm diesel-điện Đề án 636.3 (lớp Kilo). Cường kích Su-34 và Su-24 từ căn cứ không quân Hmeymim và oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 cũng có thể tham gia tập kích", Sivkov nhận định.
Việc triển khai này dường như cũng hỗ trợ Hạm đội Biển Đen trong trường hợp leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO. Nếu NATO sẽ tìm cách đóng cửa eo biển Bosporus để phong tỏa sức mạnh của hạm đội Biển Đen, các chiến hạm trang bị tên lửa Kalibr sẽ trở thành mũi công kích chủ lực của Nga để "thông đường".
"Tầm tấn công tới 2.500 km của tên lửa Kalibr giúp nó đủ sức hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Chúng có thể bắn tới vùng biển ngoài khơi Malta, vịnh Persian và hầu hết các quốc gia giáp vùng vịnh này, cũng như kênh đào Suez", chuyên gia quân sự Alexei Leonkov đánh giá.
Theo giới phân tích, việc Nga tuyên bố đặt lực lượng tàu chiến mang tên lửa Kalibr trực chiến ở Địa Trung Hải đã có hiệu quả răn đe nhất định.
"Hải quân Mỹ luôn sẵn sàng đối phó, nhưng không tìm cách gây xung đột với các lực lượng khác trong khu vực", đô đốc James Foggo III, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, phản ứng trước động thái của Nga.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu hôm 14/4 phát động tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria từ một địa điểm xa xôi ở Địa Trung Hải, có thể là nhằm tránh tầm tấn công của tên lửa Kalibr. Việc phải khai hỏa ở khoảng cách xa khiến tên lửa Tomahawk mất nhiều thời gian đến mục tiêu, giúp phòng không Syria có thời gian chuẩn bị và đánh chặn, chuyên gia Leonkov nhận định.
Duy Sơn