Phòng không Syria đánh chặn tên lửa Mỹ và liên quân
Mỹ, Anh và Pháp ngày 14/4 phóng 105 tên lửa hành trình tấn công ba cơ sở bị nghi sản xuất, tàng trữ vũ khí hóa học của Syria. Sau cuộc không kích, Nga tuyên bố lực lượng phòng không Syria phóng tổng cộng 112 quả đạn và diệt 71 tên lửa liên quân. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây tỏ ra nghi ngờ thống kê này, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống phòng không Syria bộc lộ nhiều điểm yếu sau 7 năm nội chiến liên tục, theo USA Today.
Trước khi nội chiến bùng phát năm 2011, Syria được coi là một trong những nước có hệ thống phòng không mạnh và hiện đại bậc nhất khu vực, được trang bị nhiều loại khí tài phòng không của Nga, đặc biệt là tổ hợp pháo - tên lửa tầm ngắn Pantsir-S1 và tên lửa tầm trung Buk-M2E do Moskva bàn giao trong giai đoạn 2007-2013.
Tuy nhiên, trong giai đoạn căng thẳng nhất của nội chiến, quân đội Syria đã phải rút khỏi nhiều địa điểm chiến lược trước sức ép từ quân nổi dậy và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhiều tổ hợp phòng không, kho đạn tên lửa bị rơi vào tay đối phương, trong khi các sĩ quan chỉ huy, lính phòng không được huy động cho các nhiệm vụ chiến đấu mặt đất cấp bách hơn.
Video về trận địa phòng không tại căn cứ Mezzeh được quân đội Syria công bố sau trận không kích cho thấy phần lớn kíp trắc thủ, điều khiển tên lửa đều là những sĩ quan lớn tuổi, nhiều người tóc đã bạc. Điều này cho thấy nhân lực phòng không của Syria đã bị hao tổn đáng kể sau nhiều năm chiến tranh.
Thiếu hụt nhân lực có thể khiến lực lượng phòng không Syria bị đánh giá là không được huấn luyện bài bản, thiếu khả năng chỉ huy và hiệp đồng tác chiến. Trong trận không kích của Mỹ vào sân bay Shayrat hồi tháng 4/2017, lưới phòng không Syria đã không kịp phản ứng và không phóng lên quả đạn nào để đánh chặn.
Lực lượng phòng không Syria tại căn cứ Mezzeh
Ngoài nhân lực, phòng không Syria còn gặp nhiều khó khăn về khí tài. Sau cuộc không kích của Mỹ hồi tháng 4/2017, Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng phàn nàn rằng quân đội Syria không thể bảo vệ không phận, do một nửa khí tài phòng không đã bị phá hủy trong cuộc nội chiến.
Để bảo vệ không phận, Syria phải dựa vào những tổ hợp tên lửa phòng không đời cũ còn lại như S-75, S-125, S-200 và 2K12 Kub. Đây là những hệ thống có tầm bắn ngắn, khả năng phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa thấp, đồng thời dễ bị các phương tiện tác chiến điện tử của đối phương gây nhiễu.
Các hệ thống Pantsir-S1 và Buk-M2E hiện đại hơn có uy lực mạnh hơn, nhưng không đủ số lượng để bao trùm lãnh thổ nước này. Theo giới phân tích, ngay cả các hệ thống phòng không tối tân cũng khó lòng phòng thủ toàn diện trước chiến thuật tấn công của liên quân Mỹ, Anh và Pháp hôm 14/4.
"Syria gặp nhiều khó khăn, cả về uy lực lưới phòng không lẫn những người vận hành chúng", David Deptula, cựu tướng ba sao không quân Mỹ, đánh giá.
Quan chức Lầu Năm Góc cho biết Syria bắn 40 tên lửa đánh chặn tên lửa hành trình của liên quân, nhưng hầu hết đều không trúng mục tiêu. "Quân đội Syria đã suy yếu đáng kể sau nhiều năm nội chiến, hiện phải chủ yếu dựa vào Nga và Iran để đảm bảo an ninh", chuyên gia phân tích Christopher Kozak thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ, nhận định.
Trong cuộc không kích hôm 14/4, hệ thống phòng không S-400 tối tân của Nga ở Syria đã án binh bất động, dù một số chuyên gia cho rằng chúng vẫn bám bắt các tên lửa liên quân. Các tổ hợp này được Nga bố trí chủ yếu để bảo vệ căn cứ của họ tại Syria, trong khi liên quân Mỹ đã cố tình tránh không phóng tên lửa vào các khu vực này.
Tên lửa hành trình thường có diện tích phản xạ radar và độ cao hành trình nhỏ, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn. Việc liên quân phóng tới 105 quả đạn theo nhiều mũi tấn công cũng có thể gây quá tải hệ thống phòng không Syria.
Ngoài ra, quân đội Mỹ dường như đã gây nhiễu radar đối phương trước khi tiến hành không kích, khiến Syria gặp khó khăn trong việc đánh chặn mục tiêu, bình luận viên Michaels nhấn mạnh.
Duy Sơn