Lực lượng vũ trang Đài Loan dự kiến triển khai nhiều hệ thống phòng không MIM-23 Hawk nhằm đối phó với tiêm kích và oanh tạc cơ bay thấp của Trung Quốc đại lục. Dù được phát triển từ cuối thập niên 1950, MIM-23 Hawk vẫn được coi là tuyến đầu trong lá chắn phòng không của Đài Loan, theo Asia Times.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang gia tăng. Báo cáo của cơ quan phòng vệ Đài Loan gần đây cho biết không quân Trung Quốc đã 16 lần diễn tập gần đảo Đài Loan trong năm 2017. Trong các cuộc diễn tập này, chiến đấu cơ Trung Quốc thường bay vòng quanh đảo Đài Loan qua tuyến đường từ kênh Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines rồi vòng lên phía bắc, khu vực gần đảo Miyako, Nhật Bản.
Các bệ phóng tên lửa MIM-23 Hawk mới sẽ được đặt ở đảo Lan Tự và đảo Xanh, vị trí chiến lược phía đông nam Đài Loan, gần với các tuyến bay giúp không quân Trung Quốc áp sát hòn đảo này. Giới phân tích cho rằng tên lửa MIM-23 có thể lấp khoảng trống phòng thủ, cũng như tạo thêm lợi thế cho Đài Loan trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, MIM-23 Hawk lại là vũ khí có tuổi đời gần 60 năm và đã bị Mỹ loại biên cách đây 15 năm. Dù đã trải qua nhiều đợt nâng cấp, MIM-23 Hawk vẫn không thể có uy lực bằng các tổ hợp phòng không hiện đại như MIM-104 Patriot hay SAMP/T.
Tổ hợp MIM-23 có tầm bắn tối đa 50 km. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 2.965 km/h, mang đầu nổ mảnh nặng 54 kg. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là những tổ hợp "cổ đại", dễ dàng bị tiêm kích tàng hình J-20 xuyên thủng.
Đài Loan từng có kế hoạch loại biên các hệ thống Hawk từ năm 2013, thay thế bằng tên lửa phòng không Tien Kung III. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đình trệ suốt 5 năm và chưa có dấu hiệu được thực hiện.
Việt Hòa