Hai năm tham chiến tại Syria đã mang lại hàng loạt kinh nghiệm quý giá cho quân đội Nga, một trong số đó là cách tối ưu sức mạnh của lính bắn tỉa trên chiến trường. Kết quả là các đơn vị bắn tỉa hiện nay của Nga đều được trang bị khí tài hiện đại, bao gồm các loại súng có khả năng xuyên thủng cả những loại giáp mới nhất cho quân đội Mỹ, theo National Interest.
Trước đây, quân đội Nga biên chế hai loại súng bắn tỉa tiêu chuẩn là Dragunov SVD và SV-98. Cả hai loại súng đều sử dụng đạn 7,62x54 mm, nhưng đạn xuyên giáp 7N14 của chúng không thể xuyên qua tấm giáp gia cường ESAPI/XSAPI được biên chế cho binh sĩ Mỹ. Điều đó buộc Moscow phát triển bộ ba súng bắn tỉa mới, nhằm đối phó với khả năng bảo vệ của áo giáp Mỹ.
SVDK
Súng bắn tỉa SVDK được phát triển từ nền tảng Dragunov SVD, trong đó chữ K là viết tắt của "Krupnokalibernaya" (Cỡ đạn lớn). Nhiệm vụ chính của SVDK là tiêu diệt binh sĩ mặc áo giáp hạng nặng hoặc ẩn nấp sau vật cản.
Mẫu súng này sử dụng đạn 7N33 lõi thép cỡ 9,3x64 mm, được phát triển từ mẫu đạn cùng cỡ do Đức thiết kế cho thợ săn voi và tê giác châu Phi. Phiên bản 7N33 mạnh hơn 40% so với biến thể 7N14 cho súng SVD và SV-98 trước đó, giúp tăng khả năng xuyên phá giáp và vật cản.
Súng bắn tỉa SVDK trong biên chế lục quân Nga.
SVDK được trang bị kính ngắm 1P70 Hyperion với khả năng phóng đạn 3-10 lần, thay cho kính PSO-1 với độ phóng đại cố định 4 lần trên dòng Dragunov SVD. Báng súng có thể gập để tiện cho binh sĩ di chuyển, cùng tấm đệm để xạ thủ tì cằm khi bắn.
Loại súng này thường được biên chế cho từng đại đội bộ binh hoặc các nhóm đặc nhiệm với vai trò súng trường có độ chính xác cao (DMR), thay vì trang bị tới các đơn vị bắn tỉa độc lập. Giới chuyên gia đánh giá SVDK là sự bổ sung quý giá cho quân đội Nga, bảo đảm khả năng xuyên thủng mọi loại áo giáp trong tầm bắn 600 m, trong khi NATO không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng tương tự.
Orsis T-5000
Điểm yếu chính trên các mẫu súng bắn tỉa cũ của Nga là tầm bắn. Súng Dragunov SVD chỉ có tầm bắn hiệu quả 600-800 m, trong khi bản SV-98 mới hơn cũng chỉ đạt hiệu quả ở khoảng cách 1.000 m. Trong khi đó, mẫu TAC-338 của Mỹ có thể hạ mục tiêu ở khoảng cách tới 1.550 m.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc Dragunov SVD và SV-98 đều sử dụng cỡ đạn 7,62x54 mm được thiết kế từ năm 1891. Điều đó thúc đẩy quân đội Nga tìm kiếm giải pháp thay thế là đạn .338 Lapua Magnum (8,6x70 mm), nổi bật nhờ độ chính xác cao ở tầm xa, cũng khả năng xuyên thủng mọi loại giáp bộ binh hiện có trên thế giới.
Lính Nga bắn thử nghiệm súng T-5000
Orsis T-5000 là một trong những súng bắn tỉa đầu tiên của Nga ứng dụng loại đạn .338 Lapua Magnum, đạt tầm bắn hiệu quả tới hơn 2.000 m. Mẫu T-5000 sở hữu độ giật thấp, độ nặng cò súng có thể thay đổi, trang bị hệ thống kính ngắm và nòng súng được phủ vật liệu bí mật để đảm bảo độ chính xác.
Nhờ tư vấn chuyên môn của Liên đoàn Bắn súng chính xác Nga, Orsis đã ứng dụng nhiều công nghệ tối tân để cho ra đời dòng T-5000 vào năm 2011. Công ty này được trang bị hàng loạt công cụ và thiết bị độc đáo, gồm máy chế tác kim loại thành những hình dạng chính xác, lò nung điều khiển bằng kỹ thuật số, một buồng siêu lạnh và máy cắt mài duy nhất được trang bị hệ thống đo lường video tại Nga.
Nhờ làm bằng vật liệu cao cấp, sử dụng đạn và trang bị kính ngắm hiện đại, T-5000 có độ chính xác rất cao. Một xạ thủ có thể bắn xuyên vòng tròn đường kính 2,5 cm ở khoảng cách 185 m, cũng như bảo đảm bắn trúng mục tiêu ở tầm trên 1.880 m.
ASVK và ASVKM
Đây là dòng súng bắn tỉa hạng nặng chuyên tiêu diệt khí tài đối phương ở khoảng cách xa, được phát triển song song với dự án SVDK trong thập niên 1990. ASVK được biên chế trên quy mô rộng hơn so với đối thủ OSV-96, cũng như được sử dụng trong thực tế chiến đấu tại Syria.
ASVK sử dụng cỡ đạn 12,7x108 mm, cho phép nó bắn thủng mọi loại giáp bộ binh cũng như vỏ xe thiết giáp chở quân. Loại súng bắn tỉa này có tầm bắn hiệu quả 1.500 m, đồng thời đủ sức sát thương mục tiêu ở khoảng cách 2.000 m.
Thiết kế hộp đạn và cụm khóa nòng phía sau cò súng (bullpup) cho phép rút ngắn chiều dài của súng, tương tự mẫu M95 của Mỹ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, nhà thiết kế Nga đặt cần lên đạn phía trước cò súng, giúp xạ thủ thao tác dễ dàng và nhanh hơn hẳn.
Phiên bản hiện đại hóa ASVKM được phát triển vào giữa thập niên 2010, sử dụng vật liệu nhẹ hơn nguyên bản. Cải tiến này giúp súng chỉ nặng 10 kg, nhẹ hơn ba kg so với mẫu M107 nổi tiếng của Mỹ. Nhà sản xuất cũng cải thiện tuổi thọ nòng súng, đồng thời trang bị thiết bị bù giật đầu nòng hiệu quả hơn.
Trong khi mẫu SVDK và T-5000 chỉ được trang bị cho một số đơn vị đặc biệt, dòng ASVK lại được biên chế đại trà cho quân đội Nga, bao gồm cả lực lượng đang tham chiến tại Syria.
Sự xuất hiện của những loại súng bắn tỉa có sát thương cao, cùng học thuyết tác chiến mới của Nga đã gây lo ngại cho quân đội Mỹ, nhất là khi họ chưa tìm ra phương án hiệu quả để đối phó với mối đe dọa này.
Tư liệu của lục quân Mỹ khuyến cáo binh sĩ rút lui ngay khi bị lính bắn tỉa Nga tấn công. Nếu chậm trễ, họ dễ dàng bị tiêu hao sinh lực do trúng hỏa lực bắn tỉa và pháo binh Nga. Lầu Năm Góc ước tính mỗi cuộc đụng độ như vậy sẽ khiến hai lính Mỹ thiệt mạng, trong khi xạ thủ Nga hoàn toàn không bị đáp trả.
Tử Quỳnh