"Quá trình này đã bắt đầu, nó là một dự án tuyệt mật, tôi chỉ có thể nói như vậy", Sputnik dẫn lời tư lệnh hải quân Ấn Độ Sunil Lanba phát biểu hôm 1/12. Dự án chế tạo hạm đội tàu ngầm hạt nhân được New Delhi phê duyệt hồi tháng 2/2015.
Ấn Độ cần trang bị lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược để đối phó với hải quân Trung Quốc. Quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, đứng bên bờ vực chiến tranh vì xung đột tại cao nguyên Doklam hồi giữa năm nay. Gần đây, tàu chiến Trung Quốc đã có mặt tại cảng Gwadar của Pakistan, hành động được Ấn Độ mô tả là "thách thức an ninh cần giải quyết".
Trung Quốc từ năm 2013 cũng thường xuyên cử tàu ngầm đến Ấn Độ Dương để tham gia tuần tra chống cướp biển. "Việc điều tàu ngầm để tuần tra chống cướp biển là rất lạ lùng. Chúng tôi đã tiến hành đánh giá mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc", đô đốc Lanba cho biết.
Việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân có chi phí rất đắt đỏ, nhưng chúng có nhiều điểm mạnh vượt trội so với tàu ngầm diesel - điện thông thường. Tàu ngầm hạt nhân có tốc độ cao, tầm hoạt động lớn, cùng khả năng lặn liên tục lâu hơn nhiều mà không cần nổi lên nạp khí. Khả năng này khiến tàu ngầm hạt nhân là lựa chọn phù hợp nhất cho nhiệm vụ răn đe chiến lược, bao gồm cả mang tên lửa đạn đạo tầm xa.
Những tàu ngầm mới nằm trong chương trình Made in India (Sản xuất tại Ấn Độ), sáng kiến do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất nhằm thúc đẩy chế tạo các sản phẩm trên lãnh thổ nước này, giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào các tập đoàn quốc phòng nước ngoài.
Hiện hải quân Ấn Độ chỉ sở hữu hai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm chiếc INS Arihant tự đóng và INS Chakra, tàu ngầm Đề án 971 Shchuka-B thuê từ Nga tới năm 2022.
Tử Quỳnh