Một chiếc Su-100 từ thời Liên Xô
Sau Thế chiến II, Liên Xô phát triển nhiều dòng xe diệt tăng uy lực, biến chúng thành lực lượng không thể thiếu trong kho vũ khí của nước này suốt Chiến tranh Lạnh, theo War History.
SU-100
Pháo diệt tăng tự hành Su-100 được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn cuối Thế chiến II, tới nay vẫn còn nhiều quốc gia biên chế loại khí tài này. Su-100 có thiết kế khá đơn giản, không sử dụng tháp pháo và được trang bị pháo nòng xoắn D-10S cỡ 100 mm, vũ khí chính của xe tăng T-54/55 sau này.
Pháo D-10S vận hành hoàn toàn thủ công, đạt tầm bắn tối đa 16 km, có thể xuyên lớp giáp thép dày 125 mm từ khoảng cách 2.000 m, cũng như bắn thủng mặt trước xe tăng Panther của Đức ở khoảng cách 1.500 m.
Su-100 có giáp trước dày 75 mm, giáp sườn và giáp sau dày 45 mm, chống được đạn bộ binh và mảnh pháo cỡ nhỏ. Nhờ trang bị động cơ diesel công suất 500 mã lực, xe có tốc độ tối đa tới 48 km/h và tầm hoạt động 320 km. Tổ lái 4 người gồm lái xe, pháo thủ, nạp đạn và trưởng xe. Phiên bản Su-100 chỉ huy thay thế pháo bằng bản đồ, hệ thống thông tin liên lạc và ghế ngồi phụ.
Điểm yếu của Su-100 là không có khả năng lội nước, không được trang bị kính nhìn đêm cũng như cơ chế phòng vệ trước vũ khí hạt nhân và sinh hóa (NBC).
ASU-57 và ASU-85
ASU-57 là tổ hợp pháo diệt tăng và yểm trợ hỏa lực tự hành được thiết kế riêng cho lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô. Mỗi xe có kích thước nhỏ, chỉ dài 3,5 m, rộng hai m, cao 1,1 m và nặng 3,4 tấn, cho phép các vận tải cơ Liên Xô mang theo một cách dễ dàng.
Ban đầu, ASU-57 được treo dưới hai cánh máy bay cho tới khi xuất hiện mẫu vận tải cơ hạng nặng như An-12, cho phép chứa xe trong khoang thân. Xe được trang bị dù cùng hệ thống hãm bằng rocket, được thả cùng đội hình lính đổ bộ đường không.
Hỏa lực chính của ASU-57 là pháo Ch-51 cỡ nòng 57 mm, đạt tầm bắn tối đa 8,4 km và xuyên được 101 mm giáp thép ở khoảng cách 1.000 m. Bên cạnh đó, ASU-57 còn được trang bị súng máy cỡ nòng 7,62 mm để chống bộ binh.
Hạn chế lớn nhất của ASU-57 là vỏ giáp bằng nhôm cán chỉ dày 6 mm, khó có thể bảo vệ kíp lái trước hỏa lực đối phương. Tuy nhiên, xe không thể sử dụng giáp thép dày hơn vì sẽ gia tăng khối lượng, khiến nó không thể triển khai bằng dù.
Xe ASU-57 trong biên chế lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô
Đến năm 1960, Liên Xô ra mắt phiên bản nối tiếp mang tên ASU-85. Dù vẫn có thể vận chuyển bằng đường không, loại pháo diệt tăng tự hành này không triển khai bằng dù do khối lượng lớn hơn ASU-57 nhiều. ASU-85 sử dụng khung gầm xe tăng hạng nhẹ PT-76, nhưng bị loại bỏ khả năng lội nước và trang bị động cơ mới.
ASU-85 trang bị pháo chống tăng D-70 (2A15) cỡ nòng 85 mm, có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày 189 mm ở khoảng cách 1.000 m. Cùng với đó là súng máy cỡ nòng 7,62 mm, sau này nó còn được bổ sung một súng máy DShKM cỡ 12,7 mm trên nóc và các ống phóng lựu đạn khói. Tới năm 1969, ASU-85 dần bị thay thế bởi xe thiết giáp chiến đấu bộ binh BMD-1, phiên bản dành cho lực lượng đổ bộ đường không của dòng BMP-1.
2P26
Được biên chế vào cuối thập niên 1950, 2P26 là mẫu xe chống tăng đầu tiên trang bị tên lửa có điều khiển của Liên Xô. 2P26 sử dụng khung gầm xe tải hạng nhẹ UAZ-69, trang bị 4 rãnh phóng cho 3M6 "Shmel", tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) đầu tiên được Liên Xô phát triển.
Mẫu 3M6 sử dụng phương pháp dẫn đường thủ công (MCLOS), đòi hỏi xạ thủ tự lái quả đạn tới mục tiêu thông qua dây dẫn tín hiệu. Tên lửa đạt tầm bắn tối đa hai km, trang bị đầu nổ lõm chống tăng (HEAT) nặng 5,4 kg, có thể xuyên thủng giáp thép cán đồng nhất (RHA) dày 300 mm.
Điểm yếu của 3M6 là tốc độ chậm, chỉ đạt 110 m/s. Ở tầm bắn tối đa, quả đạn cần tới 20 giây để bay tới mục tiêu, khiến đối phương có thời gian để phát hiện và ẩn nấp hoặc bắn trả vào vị trí người điều khiển. Phương thức dẫn bắn MCLOS đòi hỏi xạ thủ có trình độ cao, dễ phát sinh lỗi gây trượt mục tiêu.
Một trung đoàn bộ binh cơ giới của Liên Xô thường được trang bị 9 xe 2P26, chia làm ba khẩu đội đi kèm với ba xe chỉ huy BRDM.
IT-1
Được chế tạo trên khung gầm xe tăng chủ lực T-62, xe diệt tăng IT-1 loại bỏ cụm pháo nòng trơn 2A20 cỡ nòng 115 mm, thay vào đó bằng tháp pháo bẹt trang bị bệ phóng tên lửa 3M7 "Drakon" có khả năng gấp gọn. IT-1 là một trong số ít xe tăng mang ATGM được Liên Xô đưa vào biên chế.
Tên lửa 3M7 có tầm bắn 300 - 3.300 m trong điều kiện ban ngày, sử dụng đầu đạn HEAT đủ sức xuyên lớp giáp RHA dày 500 mm. Mỗi chiếc IT-1 có thể mang 15 quả đạn, trong đó 12 quả trong hệ thống nạp đạn tự động và ba quả dự trữ nạp thủ công. Tháp pháo được bổ sung thêm một súng máy PKT cỡ nòng 7,62 mm với 2.000 viên đạn.
Hệ thống dẫn đường bán tự động (SACLOS) giúp đơn giản hóa quy trình dẫn bắn tên lửa so với phương thức MCLOS trước đó. Xạ thủ chỉ việc đặt điểm ngắm vào mục tiêu, hệ thống sẽ tự hiệu chỉnh đường bay của quả đạn thông qua đường truyền vô tuyến.
Liên Xô chế tạo khoảng 60 xe IT-1 trong giai đoạn 1968-1970 để trang bị cho hai tiểu đoàn. Chúng bị loại biên vào năm 1973, sau đó hoán cải thành xe thiết giáp cứu kéo (ARV).
9P149
Xuất hiện cuối Chiến tranh Lạnh, 9P149 là sự thay đổi đáng kể so với các loại xe diệt tăng Liên Xô trước đó. Tổ hợp này sử dụng khung gầm bánh xích đa năng MT-LB thay vì xe bánh lốp BRDM, giúp tăng khả năng cơ động trên địa hình phức tạp và bám sát đội hình tăng thiết giáp của Liên Xô.
Lính Nga huấn luyện với xe diệt tăng 9P149
Vũ khí chính của 9P149 là 12 tên lửa chống tăng 9K114 Shturm lắp trong hệ thống nạp đạn tự động. 9K114 được lắp đầu đạn HEAT nặng 5,3 kg, có thể xuyên thủng lớp giáp RHA dày 560 mm ở khoảng cách tối đa tới 5.000 m. Tên lửa sử dụng phương thức dẫn bắn SACLOS, cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu, bao gồm cả trực thăng của đối phương.
9P149 được đưa vào biên chế năm 1979 và vẫn được sử dụng tới ngày nay sau nhiều lần hiện đại hóa.
Tử Quỳnh - Duy Sơn