Diễn biến trận đụng độ giữa đặc nhiệm Mỹ và phiến quân ở Niger tháng 10/2017.
Lầu Năm Góc tuần trước công bố báo cáo điều tra về vụ phục kích của phiến quân thân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Niger khiến 4 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng hôm 4/10/2017. Quân đội Mỹ khẳng định các binh sĩ đã chiến đấu một cách tuyệt vọng đến phút cuối trước hỏa lực áp đảo của phiến quân, theo NYTimes.
Theo báo cáo, trận đụng độ nổ ra lúc 11h40 sáng, khi đoàn xe 8 chiếc chở đặc nhiệm Mỹ và lính chính phủ Niger rời làng Tongo Tongo, phía nam Niger. Trận đánh chỉ kết thúc sau 5 tiếng, khi hai tiêm kích Mirage Pháp đến yểm trợ hỏa lực, ngăn phiến quân siết chặt vòng vây và giúp nhóm binh sĩ Mỹ - Niger rút lui.
Sau khi bị phục kích, đoàn xe dừng lại và chống trả. Đại úy Michael Perozeni, chỉ huy đội đặc nhiệm, cùng một toán lính Niger xuống chạy bộ vòng sang bên phải để tìm cách đánh thọc sườn đối phương, chiến thuật truyền thống của quân đội Mỹ trong các trận chống phục kích.
Tuy nhiên, chiến thuật này thất bại khi nhóm phiến quân tập hợp và phản công. Nhận thấy số lượng địch nhiều hơn dự tính, đại úy Perozeni cùng nhóm binh sĩ Niger quyết định chạy về phía đoàn xe. Perozeni ra lệnh cho cả đơn vị rút lui.
Sau khi quăng lựu đạn khói để che giấu hành động rút lui, 5 ôtô thoát được khỏi khu vực bị phục kích. Tuy nhiên, chiếc xe chở trung sĩ Dustin M. Wright, trung sĩ Jeremiah W. Johnson và trung sĩ Bryan C. Black bị kẹt lại phía sau cùng hai xe chở lính Niger.
Video do phiến quân công bố được thu được từ máy quay gắn trên mũ Johnson cho thấy anh này và Wright đã liên tục bắn trả, tìm cách giúp đỡ Black khi trung sĩ này trúng đạn. Cả ba người bị phiến quân áp đảo về quân số và hỏa lực, cũng như bị chia cắt khỏi đồng đội.
Trong quá trình bị bao vây, những binh sĩ này đã tìm cách gọi hỗ trợ và cố gắng chiến đấu trong cuộc chiến không cân sức.
Trung sĩ Black sớm thiệt mạng, buộc hai người còn lại chạy thoát thân dưới hỏa lực dày đặc của địch mà không yểm trợ lẫn nhau. Johnson sau đó cũng trúng đạn và tử trận, Wright bị bất tỉnh do nhiều vết thương nặng, trước khi bị các tay súng phiến quân áp sát và bắn chết.
Tuy nhiên, quá trình chiến đấu của nhóm lính Mỹ còn lại tới nay mới được Lầu Năm Góc công bố. Dựa trên lời kể của nhân chứng và bằng chứng chiến trường, quân đội Mỹ kết luận những người còn lại cũng bị mắc kẹt trong một cuộc giao tranh ngoài dự kiến.
Năm xe trong đoàn chạy được gần 800 m xuống phía nam thì dừng lại khi phát hiện 3 thành viên nhóm đặc nhiệm trên chiếc xe cuối cùng không đi theo họ. Hai lính Mỹ xung phong chạy bộ trở lại để tìm đồng đội. Họ hướng về địa điểm phục kích và bắn hạ một số phiến quân.
Những người khác ở phía sau và tiếp tục bắn trả nhóm phiến quân đang áp sát. Lúc này, thêm hai đặc nhiệm Mỹ rời nhóm và cơ động tới địa điểm phục kích để hỗ trợ đồng đội.
Nhóm phiến quân liên tục áp sát khiến đại úy Perozeni lần thứ hai ra lệnh rút lui. Chỉ hai xe chở lính Mỹ rời đi, trong khi xe chở lính Niger không di chuyển. Đại úy Perozeni nhảy lên thùng xe tải do trung sĩ Brent Bartels lái để đón binh sĩ Niger. Sau đó, cho rằng xe thứ hai của Mỹ ở phía sau, Perozeni ra lệnh tăng tốc về phía nam.
Tuy nhiên, trung sĩ La David T. Johnson, người lái chiếc xe còn lại, bị tấn công bởi hỏa lực dữ dội của phiến quân và không thể trở lại ghế ngồi trên xe. Anh ta và hai lính Niger chạy về hướng tây. Hai binh sĩ Niger này thiệt mạng khi mới chạy được hơn 300 m.
Trung sĩ Johnson chạy thêm được khoảng 400 m, nấp dưới một bụi cây và bắn trả cho đến khi bị phiến quân bao vây bắn chết.
Hai xe của đặc nhiệm Mỹ chạy về phía bắc và vẫn bị tấn công, khiến 5 trong số 7 người trên xe trúng đạn. Đại úy Perozeni bị văng ra khỏi thùng xe, trung sĩ Bartels bị thương nhưng cố vòng xe lại đón chỉ huy. Họ tiếp tục tiến lên phía bắc cho đến khi xe bị kẹt trong một đầm lầy.
Nhóm lính này liên lạc vô tuyến tìm sự hỗ trợ, cho biết sắp bị đối phương tiêu diệt. Đây là lần liên lạc thứ hai của nhóm đặc nhiệm Mỹ, sau cuộc gọi đầu thông báo "có giao tranh". 4 lính đặc nhiệm Mỹ đi tìm đồng đội sau đó cũng trở lại hội quân. Họ bỏ lại xe tải bị mắc kẹt và chạy vào rừng cây.
"Những người còn lại trong đội đã tập hợp và lập cứ điểm phòng thủ cuối cùng, nơi họ chuẩn bị tử chiến", các nhà điều tra của Lầu Năm Góc kết luận. Đó là lúc các tiêm kích Pháp quần đảo trên bầu trời, buộc phiến quân Niger rút lui và chấm dứt trận đánh.
Điều tra sơ bộ của Lầu Năm Góc hồi tháng 3 cho rằng chiến thuật và cách thức hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Mũ nồi xanh Mỹ ở Niger vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng về quy trình chỉ huy, ra mệnh lệnh cũng như phối hợp tác chiến, dẫn tới thảm kịch khiến 4 đặc nhiệm thiệt mạng này.
Duy Sơn