Bộ Quốc phòng Nga hôm qua xác nhận một tiêm kích Su-30SM đâm xuống vùng biển ngoài khơi tỉnh Latakia của Syria ngay sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Hmeymim, khiến hai phi công trên máy bay thiệt mạng.
Dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều khả năng động cơ chiếc Su-30SM hút phải chim, gây hư hại nặng và làm máy bay mất lực đẩy, dẫn tới vụ tai nạn. Đây không phải lần đầu tiên máy bay quân sự trên thế giới bị rơi và gây chết người do đâm phải chim, theo World Bird Strike.
Vận tải cơ C-130 Bỉ (1996)
Tối 15/7/1996, vận tải cơ C-130H số hiệu CH-06 của Bỉ được không quân Hà Lan thuê để chở đội quân nhạc từ Italy về nước gặp tai nạn gần sân bay Eindhoven, phía nam Hà Lan, khiến 34 trong 41 người trên máy bay thiệt mạng.
Máy bay liên lạc với đài kiểm soát không lưu Eindhoven lúc 6h tối và được phép hạ cánh. Sau khi phát hiện một đàn chim lớn gần đầu đường băng, phi công quyết định hủy hạ cánh và lấy lại độ cao. Đúng lúc này, nhiều con chim đã đâm vào cả hai động cơ bên cánh trái, khiến chúng mất lực đẩy.
Tuy nhiên, phi công trong lúc bối rối lại tắt động cơ phía cánh phải, khiến chiếc C-130H ngoặt sang trái và đâm xuống gần đường băng sân bay Eindhoven. Chỉ trong vài giây, ngọn lửa lớn bùng lên, ngày càng trở nên dữ dội nhờ nguồn cấp oxy trên máy bay.
Một số cửa thoát hiểm bị chặn bởi ngọn lửa, trong khi số khác không thể mở do thân máy bay bị vặn xoắn sau cú đâm xuống đất. Lực lượng cứu hỏa không biết phi cơ chở theo nhiều hành khách, họ mất tới 23 phút trước khi phát hiện có người bên trong khoang máy bay.
"Sự cố bắt đầu khi phi công hủy hạ cánh ở độ cao nhỏ, khiến máy bay không thể tránh đàn chim. Tai nạn trở nên không thể tránh khỏi khi chiếc C-130H hỏng hai động cơ trái, phi cơ mất điều khiển ở độ cao rất nhỏ và đâm xuống đất", Ủy ban an toàn hàng không Hà Lan kết luận trong báo cáo sau tai nạn.
Máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry Mỹ (1995)
Chiếc máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry mang số hiệu 77-0354 của không quân Mỹ ngày 22/9/1995 đâm phải một đàn ngỗng trời gần căn cứ không quân Elmendorf, bang Alaska, làm toàn bộ 24 người trên phi cơ thiệt mạng.
Cuộc điều tra của Lầu Năm Góc cho thấy hai động cơ bên trái của máy bay hút phải chim ngay sau khi rời đường băng. Phát hiện sự cố, tổ lái bắt đầu xả nhiên liệu và lượn trái để trở về sân bay. Tuy nhiên, lượng dầu trên máy bay quá lớn và việc mất toàn bộ lực đẩy ở cánh trái khiến phi cơ không thể duy trì độ cao.
Chiếc E-3 đạt độ cao tối đa 70 m, bay xa khoảng 1,3 km trước khi quét qua các tán cây gần sân bay. Nó bay thêm khoảng 700 m rồi đâm xuống đất và phát nổ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng tai nạn bắt nguồn một phần từ việc căn cứ Elmendorf không tổ chức hoạt động đuổi chim, cũng như kiểm soát không lưu không thông báo cho tổ lái E-3 về sự xuất hiện của đàn ngỗng trời.
Trực thăng HH-60G Pave Hawk Mỹ (2014)
Ngày 7/1/2014, một trực thăng HH-60G của không quân Mỹ đâm phải ngỗng trong lúc huấn luyện bay đêm tại Anh, khiến cả 4 người trên phi cơ thiệt mạng.
Ủy ban điều tra của Mỹ kết luận tai nạn bắt đầu khi máy bay va chạm với những con ngỗng lớn, khiến chúng đâm xuyên qua kính buồng lái, làm hai phi công bất tỉnh. Họ không thể phản ứng khi một con chim khác đâm vào mũi trực thăng, làm hỏng hệ thống ổn định, khiến chiếc HH-60G xoay tròn và đâm xuống đất.
Toàn bộ quá trình từ khi va chạm cho tới khi trực thăng bắt đầu lao xuống đất chỉ kéo dài ba giây. Chiếc HH-60G bị phá hủy hoàn toàn, khiến không quân Mỹ thiệt hại 40 triệu USD.
Oanh tạc cơ B-1B Lancer Mỹ (1987)
Ngày 29/9/1987, một oanh tạc cơ B-1B gặp tai nạn khi bay thử nghiệm ở bang Colorado, khiến ba trong 6 người trên máy bay thiệt mạng.
Không quân Mỹ sau đó công bố kết quả điều tra, cho thấy chiếc B-1B đã đâm phải một con chim bồ nông nặng khoảng 9 kg khi bay với tốc độ 960 km/h. Cú va chạm mạnh khiến lớp vỏ hợp kim nhôm bị xé rách ngay trên cụm động cơ phải, làm đứt ống thủy lực quan trọng và tạo ra ngọn lửa nóng hơn 1.600 độ C.
Đại úy Lawrence Haskell, học viên phi công trên chiếc B-1B, cho biết chỉ nhìn thấy một vệt mờ màu trắng trước mũi máy bay, trước khi tiếng nổ lớn vang lên và phần đuôi phi cơ rung mạnh. Thiếu tá James Acklin, giáo viên huấn luyện, giành quyền điều khiển và thông báo cho kiểm soát không lưu về sự cố. Tổ lái đưa máy bay lên độ cao 1.000 m, giảm tốc độ và cố kiểm soát chiếc B-1B, vốn đang nghiêng dần về bên phải.
Sau đó, Haskell thông báo tổ lái sẽ phóng ghế thoát hiểm. Hệ thống thoát hiểm tự động phóng 4 ghế theo thứ tự, trong đó phi công là người ra sau cùng. Chiếc thứ ba trong loạt này gặp sự cố, khiến thiếu tá Wayne Whitlock không thể rời khỏi máy bay. Ackling và học viên phi công Ricky Bean ngồi trên ghế phụ không có chức năng phóng thoát hiểm, khiến họ thiệt mạng cùng Whitlock khi chiếc B-1B đâm xuống đất.
Tử Quỳnh