"Chúng tôi sẽ nêu thẳng thắn vấn đề Biển Đông với lãnh đạo các nước trong hội nghị Cấp cao Đông Á ngày mai ở Singapore. Mỹ sẽ thúc đẩy để đảm bảo có một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc", một quan chức cấp cao Mỹ hôm nay trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo qua điện thoại với các phóng viên châu Á.
Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13 giữa các thành viên ASEAN và đối tác diễn ra tại Singapore trong hai ngày 14/11 và 15/11. Hội nghị này được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 từ ngày 11/11 đến 15/11, trong năm Singapore làm Chủ tịch ASEAN. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tới dự sự kiện này.
Quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh thông điệp của Washington trong hội nghị lần này là chủ quyền của các nước dù lớn hay nhỏ đều cần được tôn trọng, luật pháp quốc tế cần được tôn trọng. Việc khai thác các nguồn tài nguyên trên Biển Đông và mời các đối tác tham gia là tuỳ thuộc vào ý chí của từng nước, dựa trên chủ quyền của mình, không phụ thuộc vào các nước khác.
Tuy nhiên, ông không nói rõ Mỹ sẽ nêu vấn đề cụ thể gì về Biển Đông tại EAS. Hồi đầu tháng10, Phó tổng thống Mỹ Pence trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington đã chỉ trích hành động triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, cho rằng việc này đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khi tới thăm Mỹ vào năm 2015 rằng Bắc Kinh 'không có ý định quân sự hóa Biển Đông'.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/11 lần đầu tiên công khai thúc giục Trung Quốc rút tên lửa tại đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tái khẳng định rằng mọi quốc gia cần tránh giải quyết tranh chấp bằng những hành vi áp đặt hay đe dọa. Tuyên bố này được đưa ra sau đối thoại an ninh Mỹ - Trung được tổ chức tại Washington.
Trung Quốc và ASEAN khởi động đàm phán COC vào 2013 và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Đây được coi là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang trên Biển Đông.
Nói đến vai trò của ASEAN, quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh Hiệp hội nằm ở trung tâm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do của Mỹ. Phó tổng thống Pence khi gặp gỡ lãnh đạo các nước châu Á lần này đều nói về tầm quan trọng của ASEAN. "Cam kết của Mỹ với ASEAN cực kỳ mạnh mẽ", ông nói.
Đề cập tới thông tin Triều Tiên có dấu hiệu nối lại chương trình hạt nhân, quan chức Mỹ đánh giá chưa rõ thông tin chính xác đến đâu, nhưng Phó tổng thống Pence sẽ thảo luận về sự cần thiết duy trì chiến dịch gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng, "điều đã khiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán".
"Chiến dịch gây áp lực sẽ còn tồn tại đến khi nào đạt được nỗ lực cuối cùng về phi hạt nhân hoá ở Triều Tiên một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng. Đây là vấn đề mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6", ông nói.
Phó tổng thống Pence đang có chuyến thăm và làm việc dài ngày tại châu Á. Trước khi tới Singapore dự EAS, ông đã thăm Nhật Bản, sau đó sẽ đến Australia và dự hội nghị APEC ở Papua New Guinea.
Các nội dung thảo luận chính của Phó tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Á lần này là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, hoà bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không cũng như vấn đề hạt nhân Triều Tiên.