"Phó tổng thống Mike Pence sẽ nêu rõ quan điểm của Mỹ về việc tăng cường hợp tác với các đối tác ở khu vực, tôn trọng chính sách ngoại giao, độc lập, chủ quyền của từng nước, trông đợi một khu vực mở và tự do khi dự hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)", Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trao đổi trong cuộc họp qua điện thoại với các phóng viên ngày 16/10.
EAS lần thứ 13 sẽ diễn ra giữa các thành viên ASEAN và đối tác tại Singapore trong hai ngày 14/11 và 15/11. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng sẽ được tổ chức trong thời gian này. Các hội nghị này được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33, từ ngày 11/11 đến 15/11, trong năm Singapore làm Chủ tịch ASEAN.
Về tình hình Biển Đông, ông Murphy cho biết Mỹ "vui mừng" trước việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thống nhất về dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử (COC) và có đối thoại toàn diện.
"Chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ là quá trình này cần minh bạch, có tham vấn phù hợp với cộng đồng quốc tế. Mỹ thường xuyên trao đổi với các nước ASEAN, các đối tác và đồng minh về tầm quan trọng của giải pháp dựa trên luật lệ, tuân thủ luật pháp", ông Murphy nhấn mạnh.
Trước khi EAS diễn ra, ông Murphy đã đến Singapore và một số nước trong khu vực, thảo luận về việc tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tìm kiếm quan điểm chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Một trong những trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN là tăng cường nhận thức về các vấn đề hàng hải, tầm quan trọng của việc tuân thủ luật quốc tế. Mỹ coi Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) là một khung quan trọng để xử lý các vấn đề trên biển.
Trong EAS năm ngoái tại Philippines, nước chủ nhà ASEAN 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không dự phiên toàn thể sau khi cuộc họp bị lùi khoảng 90 phút so với kế hoạch. Trump đã đọc bài diễn văn được chuẩn bị trước trong bữa trưa với lãnh đạo các nước. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson thay Trump dự hội nghị.
Cùng lãnh đạo 10 nước ASEAN, đại diện các nước khác tham gia EAS 2017 có Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Australia khi đó là Malcolm Turnbull, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Đại diện các nước nhất trí bổ sung "hợp tác biển" trở thành lĩnh vực ưu tiên mới, mục tiêu là tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển. Các lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, ở Biển Đông.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ra đời năm 2005, được coi là diễn đàn hàng đầu khu vực, nơi các lãnh đạo ASEAN trao đổi quan điểm với những người đồng cấp từ 8 nước đối tác về các mối quan ngại an ninh khu vực và quốc tế. Hiện 8 đối tác chính tham gia EAS là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.